Nước bọt là một hỗn hợp có tác dụng tăng cường miễn dịch hệ tiêu hóa, diệt khuẩn, chống lão hóa, ức chế các tế bào ung thư,… Vậy cấu tạo của tuyến nước bọt như thế nào và tác dụng cụ thể của nước bọt đối với sức khỏe ra sao?
Vị trí của tuyến nước bọt
Nước bọt còn gọi là nước miếng, một hỗn hợp bao gồm chất nhầy, dịch và bọt. Trung bình ở người, mỗi ngày sẽ tiết ra khoảng 150 – 1300 ml nước bọt giúp bảo vệ khoang miệng khỏi nguy cơ nhiễm trùng.
Tuyến nước bọt là một hệ thống nằm rải rác khắp các niêm mạc của miệng và khi tiết nước bọt sẽ tập trung hướng về khoang miệng. Tiết nước bọt được xem là giai đoạn đầu trong chu trình xử lý thức ăn.
Cấu tạo của tuyến nước bọt
Xét về cấu tạo, tuyến nước bọt thuộc tuyến ngoại tiết, được cấu thành từ ống tuyến và nang tuyến.
Nang tuyến nước bọt
Bao gồm nang nhầy, nang nước và nang hỗn hợp. Mỗi loại nang sẽ có một hàng tế bào và bên ngoài là tế bào cơ, còn gọi là biểu mô. Chúng có nhiệm vụ thực hiện thao tác co bóp để đẩy nước bọt vào ống tuyến.
Ống tuyến nước bọt
Các ống tuyến nhỏ sẽ liên kết với nhau tạo thành hệ thống bao gồm ống gian tiểu thùy, ống gian thùy và ống chính. Nước bọt được đưa đến ống chính và trực tiếp đổ vào miệng.
Nguyên lý hoạt động của ống tuyến nước bọt là do sự nhu động co bóp nhịp nhàng giữa các tế bào cơ xung quanh ống tuyến.
Số lượng, thành phần cũng như độ pH của nước bọt sẽ thay đổi theo độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người.
Phân loại tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt có 3 tuyến chính bao gồm tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới lưỡi và tuyến nước bọt dưới hàm. Ngoài ra, còn có nhiều tuyến nước bọt nhỏ khác phân bổ ở môi dưới, hai bên lưỡi hoặc ở niêm mạc miệng.
Tuyến nước bọt mang tai
Còn gọi là tuyến nước bọt nhầy. Chúng có kích thước lớn nhất trong tất cả các tuyến nước bọt, tuy nhiên lại chỉ sản xuất khoảng 1/4 tổng số lượng nước bọt được tiết ra hằng ngày của mỗi người.
Tuyến nước bọt mang tai kéo dài từ góc hàm đến ngang xương má phía trước tai. Nước bọt tiết ra từ tuyến này thông qua ống Stensen, có tác dụng trong việc hỗ trợ quá trình nhai và nuốt thức ăn.
Tuyến nước bọt dưới hàm
Kích thước của tuyến nước bọt dưới hàm chỉ nhỏ hơn so với tuyến nước bọt mang tai. Vị trí tuyến nước bọt này nằm ở dưới hai bên hàm sau các răng cối.
Nước bọt tiết ra thông qua ống Wharton. Chúng đóng góp 60 – 70% trên tổng thể tích nước bọt được tiết ra hằng ngày lúc không bị kích thích.
Ngược lại, trường hợp bị kích thích, tuyến hàm dưới sẽ giảm tiết nước bọt và lúc này tuyến mang tai lại có tăng tiết nước bọt nhiều hơn.
Tuyến nước bọt dưới lưỡi
Còn gọi là tuyến nước bọt hỗn hợp. Nhiệm vụ của những tuyến này là tiết ra chất dịch chứa ptyalin phân giải thành phần tinh bột trong thức ăn hằng ngày, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.
Những tác dụng của nước bọt
Nước bọt tham gia tích cực vào quá trình ăn nhai cũng như giữ nhiều vai trò quan trọng khác.
Chất bôi trơn quan trọng
Nước bọt chứa nhiều dịch nhầy, giúp làm mềm và bôi trơn thực phẩm, nhờ đó mà quá trình vận chuyển đến dạ dày trở nên dễ dàng hơn.
Và hơn hết, nước bọt còn có tác dụng giữ cho khoang miệng có độ ẩm nhất định, tránh tình trạng bị khô rát khó chịu.
Có khả năng cầm máu
Theo nghiên cứu từ viện Sức khỏe Hoa Kỳ, nước bọt của người chứa một loại protein giúp kháng khuẩn và hỗ trợ làm lành vết thương nhanh chóng.
Điều này lý giải tại sao vết thương trong miệng hoặc sau khi nhổ răng lại cầm máu và lành nhanh hơn so với những khu vực khác.
Khả năng diệt khuẩn
Bacteriolysin là thành phần trong nước bọt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Vì vậy mà nước bọt đóng vai trò như hàng rào ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng.
Thêm vào đó, nước bọt còn giúp cuốn trôi những vụn thức ăn thừa, giữ cho khoang miệng sạch sẽ. Trường hợp nếu lượng nước bọt bị giảm tiết gây khô miệng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, hôi miệng,…
Tăng cường hệ miễn dịch tiêu hóa
Nước bọt chứa thành phần Enzyme Ptyalin giúp chuyển hóa tinh bột thành đường maltose, glucose. Nhờ đó mà tạo cảm giác ngon miệng khi ăn. Đồng thời còn đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn.
Chống lão hóa
Y học hiện đại đã chứng minh nước bọt chứa các hoocmon và IgA có tác dụng ngăn ngừa sự lão hóa, chống suy thoái của các tổ chức tế bào và kéo dài tuổi thọ.
Ức chế các tế bào ung thư
Không chỉ giúp ngăn ngừa sự lão hóa mà các hoocmon và IgA trong nước bọt còn giúp ức chế các tế bào ung thư phát triển. Vì vậy mà việc ăn chậm nhai kỹ không chỉ có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn giúp nước bọt được hòa lẫn với thức ăn một cách đầy đủ trước khi tiến vào dạ dày.
Các bệnh thường gặp ở tuyến nước bọt
Viêm tuyến nước bọt
Xảy ra khi các tuyến nước bọt bị viêm do nhiễm khuẩn. Triệu chứng điển hình của viêm tuyến nước bọt là khô miệng, sưng đau, khó nuốt, hôi miệng, một số trường hợp còn đi kèm sốt nhẹ, mệt mỏi, mạch đập nhanh.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm tuyến nước bọt là do liên khuẩn cầu, vi khuẩn Staphylococcus Aureus hoặc Haemophilus Influenza,… Bên cạnh đó, chúng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như quai bị, u hạt, cúm A, hội chứng Sjogren,…
Ung thư tuyến nước bọt
Bệnh lý này tương đối hiếm gặp. Thông thường ung thư tuyến nước bọt hay xảy ra ở tuyến mang tai và dưới hàm. Trong đó, tuyến mang tai chiếm đến 85% và 25% còn lại là tuyến dưới hàm.
Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt là sự xuất hiện những cơn đau ở trong miệng, má hoặc cổ; tê ở một phần khuôn mặt; khó mở miệng; kích thước khuôn mặt có sự thay đổi; dịch mủ bất thường chảy ra từ tai,…
Nguyên nhân gây ung thư tuyến nước bọt là do ADN của một số tế bào trong tuyến nước bọt bị đột biến, có sự phát triển và phân chia bất thường. Các tế bào đột biến gây chèn ép và làm chết các các tế bào bình thường, khi phát triển đến mức cực đại sẽ tạo thành các khối u.
Những điều cần lưu ý
Những bất thường hoặc sự thay đổi của nước bọt cũng phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn. Do đó, trường hợp phát hiện tuyến nước bọt có những biểu hiện sau, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra:
– Tuyến nước bọt mang tai sưng đau và lan rộng ra các vùng xung quanh
– Khô miệng, hôi miệng và niêm mạc miệng có dấu hiệu sưng đỏ
– Khó nuốt, mở miệng gặp khó khăn
– Sưng hạch phản ứng ở góc hàm hoặc hạch sau tai
Như vậy có thể thấy, nước bọt có tác dụng rất lớn trong việc duy trì sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn thân. Vì vậy mà việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày cần được chú trọng.