Sau khi sinh các mẹ bỉm không chỉ có nhiều thay đổi về ngoại hình, sức khỏe, tâm lý mà còn rất khổ sở với tình trạng ê buốt răng mỗi khi ăn uống. Ê buốt răng sau sinh khiến cho việc ăn uống của các mẹ gặp nhiều trở ngại, ăn uống không ngon miệng, chán ăn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mẹ cũng như chất lượng sữa cho con bú. Vậy nguyên nhân nào khiến cho phụ nữ sau sinh hay bị ê buốt răng? Cần phải làm gì để khắc phục hiệu quả tình trạng này?
Tại sao phụ nữ sau sinh hay bị ê buốt răng?
Ê buốt răng sau sinh là dấu hiệu của răng nhạy cảm có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Tùy vào từng cơ địa và sức khỏe răng miệng của mỗi người mà triệu chứng ê buốt răng sau sinh sẽ khác nhau.
Cơn ê buốt có thể diễn ra bất chợt khi ăn uống hoặc khi vệ sinh răng miệng hằng ngày. Nhưng cũng có khi tình trạng ê buốt diễn ra liên tục ngay cả trong lúc nghỉ ngơi khiến cho mẹ bỉm vô cùng khó chịu và mệt mỏi trong sinh hoạt.
Các nguyên nhân gây ê buốt răng ở phụ nữ sau sinh có thể là do:
1. Thiếu canxi
Trong giai đoạn thai kỳ và sau sinh cơ thể của phụ nữ sẽ có nhiều sự thay đổi về nội tiết. Hàm lượng canxi trong cơ thể cũng bị hao hụt nhiều do phải chuyển một phần cho thai nhi.
Khi cơ thể bị thiếu canxi bộ phận bị tác động nhiều nhất là răng. Điều này có thể làm cho men răng bị suy yếu trầm trọng, dễ bị bào mòn. Từ đó vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công và gây ra các bệnh lý răng miệng khiến răng đau nhức, ê buốt rất khó chịu.
2. Ê buốt răng sau sinh do nôn nghén
Trong quá trình mang thai phụ nữ thường hay bị nôn nghén. Lúc này lượng axit có trong dịch nôn khi trào ngược lên sẽ tiếp xúc trực tiếp với răng và có thể gây sự bào mòn.
Có nhiều mẹ bầu vì không biết nên thường vội vàng chải răng ngay khi nôn nghén xong. Điều này khá tai hại, bởi khi vừa nôn xong lượng axit vẫn còn bám nhiều trên răng, men răng lúc này cũng đang yếu.
Nếu chải răng ngay sẽ khiến men răng nhanh bị bào mòn nhiều hơn. Từ đó khó tránh khỏi cảm giác ê buốt khó chịu ở răng sau khi sinh, thậm chí ê buốt có thể xảy ra trong giai đoạn thai kỳ.
3. Do chế độ ăn uống
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường có chế độ ăn uống thất thường. Những cơn thèm ăn bất chợt, thói quen thích ăn vặt và hay ăn các món ngọt nhiều đường, nhiều tinh bột dễ khiến cho mẹ bầu bị sâu răng.
Sâu răng không chỉ gây đau nhức mà còn có thể khiến răng bị ê buốt nếu vết sâu lan rộng đến tủy làm ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác.
Không những vậy, sau khi sinh thói quen ăn uống này vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Nếu không chăm sóc, vệ sinh răng miệng cẩn thận thì tình trạng sâu răng sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây đau nhức, ê buốt dữ dội hơn.
4. Vệ sinh răng miệng kém
Việc không duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, lười chải răng sau khi ăn sẽ là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến mắc các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,…. khiến răng yếu đi, dễ bị ê buốt, đau nhức.
Bên cạnh đó thói quen chải răng theo chiều ngang, dùng bàn chải lông cứng, chải răng quá mạnh có thể khiến lớp men răng bị bào mòn dần, nguy cơ tổn thương nướu, tụt nướu lộ ngà răng làm răng ê buốt nhiều hơn.
Ê buốt răng sau sinh gây ảnh hưởng như thế nào?
Ê buốt răng sau sinh nếu không sớm có biện pháp điều trị hiệu quả sẽ khiến cho mẹ bỉm gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt.
Khi răng bị ê buốt sẽ khiến cho việc ăn uống các thực phẩm nóng, lạnh, chua, ngọt bị hạn chế rất nhiều, giảm cảm giác ngon miệng.
Bên cạnh đó, răng bị ê buốt khiến cho việc cắn xé, nhai nghiền thức ăn sẽ giảm sút nhiều. Mẹ bỉm sẽ dần cảm thấy mất vị giác khi ăn uống, chán ăn.
Chính điều này là nguyên nhân khiến cho cơ thể của người mẹ không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để cơ thể được khỏe mạnh cũng như làm thiếu hụt dinh dưỡng trong sữa mẹ.
Hệ quả là trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm phát triển, cơ thể người mẹ cũng suy nhược nhiều. Việc thường xuyên nhịn ăn, hay thức ăn không được nhai nghiền đủ nhỏ khi ăn còn khiến mẹ bỉm dễ gặp các vấn đề bệnh lý dạ dày, tiêu hóa.
Không những vậy, nếu ê buốt răng do các bệnh lý răng miệng không sớm có biện pháp xử lý kịp thời sẽ khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguy cơ gây hư hỏng, mất răng và ảnh hưởng xấu cho các răng lân cận.
Vậy nên, việc phòng ngừa cũng như chữa trị tình trạng ê buốt răng sau sinh là vô cùng quan trọng. Điều này nhằm đảm bảo hạn chế các nguy cơ gây hại cho sức khỏe răng miệng cũng như cuộc sống sinh hoạt của người mẹ.
Đồng thời giúp cho trẻ có được nguồn sữa đầy đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Cách chữa ê buốt răng sau sinh
Để chữa ê buốt răng sau sinh có thể áp dụng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để triệu chứng này cần phải xác định rõ nguyên nhân, tình trạng.
Nếu ê buốt ở mức độ nhẹ do việc ăn uống, chăm sóc răng hằng ngày. Các mẹ có thể tự chữa tại nhà để khắc phục.
Nếu ê buốt do mắc các bệnh răng miệng thì chị em nên đến các trung tâm nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, an toàn, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cho bé.
1. Mẹo chữa ê buốt răng sau sinh tại nhà
a. Thay đổi chế độ ăn uống
- Tránh các món chứa nhiều đường, nhiều tinh bột vì chúng dễ hình thành mảng bám và nguy cơ gây sâu răng, đau nhức, ê buốt răng.
- Các loại đồ ăn, nước uống có tính axit cao, nước có gas cũng cần hạn chế dùng vì chúng có thể làm bào mòn men răng.
- Không nên ăn uống các món quá nóng, quá lạnh, quá chua, cay để tránh kích ứng chân răng.
- Các món quá dai, cứng cũng tác động không tốt đến cấu trúc răng nên cần hạn chế dùng để không làm răng bị tổn thương, nứt mẻ.
- Hãy tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D vào trong các bữa ăn hằng ngày để giữ cho răng luôn được chắc khỏe.
- Ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi để cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời còn giúp hỗ trợ làm sạch răng miệng hiệu quả.
- Uống nhiều nước lọc mỗi ngày cũng là biện pháp giúp khoang miệng luôn có độ ẩm cần thiết, tăng tiết nước bọt giúp ngăn ngừa các vấn đề sâu răng, hôi miệng.
b. Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Đánh răng đúng cách 2 lần/ngày bằng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm.
- Dùng bàn chải mềm, chải răng nhẹ nhàng theo chiều dọc, không chải ngang hay chải quá mạnh để tránh gây tổn thương đến răng, nướu.
- Kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý, dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng tối ưu, ngăn vi khuẩn và mảng bám tích tụ gây hôi miệng, sâu răng, viêm lợi,…
- Chú ý vệ sinh vùng lưỡi sạch sẽ để tránh bám dính nhiều vi khuẩn gây hại cho răng miệng.
c. Áp dụng mẹo dân gian
Khi bị ê buốt sau sinh, các mẹ có thể sử dụng các mẹo dân gian để thuyên giảm tình trạng bằng cách:
– Dùng tỏi chà xát lên vùng răng bị ê buốt.
– Nhai hoặc dùng nước lá trà xanh để súc miệng hằng ngày.
– Dùng mật ong pha với nước ấm để súc miệng.
– Dùng gừng tươi giã nhỏ đắp lên những chiếc răng đang bị ê buốt.
2. Khi nào cần đi gặp bác sĩ
Sau khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục ê buốt tại nhà nhưng vẫn không khỏi thì cần đến ngay nha khoa để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tình trạng và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả.
Tùy vào từng tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các biện pháp như:
- Hàn trám răng:
Những trường hợp răng sâu nhẹ, răng sứt mẻ nhỏ, mòn men răng ít có thể thực hiện hàn trám răng để khôi phục lại hình dáng răng ban đầu.
Bản chất của phương pháp này chỉ tác động bên ngoài răng, dùng vật liệu chuyên dụng để bù đắp vào phần mô răng đã mất. Không dùng thuốc gây tê nên sẽ không gây ảnh hưởng gì cho các mẹ đang trong quá trình cho con bú.
- Cạo vôi răng:
Đối với trường hợp vôi răng hình thành nhiều dẫn đến viêm nướu, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để làm sạch hoàn toàn mảng bám cứng chắc mà bàn chải đánh răng không làm được, loại bỏ ổ vi khuẩn gây viêm nhiễm.
- Bọc răng sứ:
Khi răng bị tổn thương, sâu nặng ăn sâu đến tủy gây viêm tủy thì bác sĩ sẽ tiến hành chữa tủy và bọc răng sứ lại để khôi phục thẩm mỹ và ăn nhai như bình thường.
Do phương pháp chữa tủy cần phải gây tê nên bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của người mẹ. Chỉ điều trị khi sức khỏe của người mẹ đảm bảo tốt, việc can thiệp điều trị không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nguy hại nào.
Nếu sức khỏe không đảm bảo sẽ phải dời điều trị và bác sĩ sẽ có các phương án hỗ trợ giảm đau tạm thời cho người mẹ.
Sau khi sinh cơ thể phụ nữ còn khá nhạy cảm. Vậy nên, để đảm bảo điều trị ê buốt răng an toàn, hiệu quả cần chọn các địa chỉ nha khoa uy tín lâu năm để an tâm khám chữa.
Chú ý tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống hay thuốc bôi để dùng tại nhà giảm ê buốt, đau nhức. Bởi điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho bé.