Đắng miệng là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Đắng miệng sau khi sử dụng những thực phẩm đặc thù như khổ qua, cà phê đen, cải xoăn,… là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu trường hợp đắng miệng không phải do thực phẩm và kéo dài thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về nha khoa hoặc bệnh lý khác.

Nguyên nhân gây đắng miệng và cách khắc phục
Nguyên nhân gây đắng miệng và cách khắc phục

Các nguyên nhân gây đắng miệng

Đắng miệng khiến người bệnh khó chịu, không ngon miệng khi ăn. Tình trạng này có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:

Mang thai

Thời điểm mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ, hormone trong cơ thể mẹ có sự thay đổi gây ảnh hưởng đến vị giác và dẫn đến tình trạng đắng miệng, khó chịu với một số thực phẩm gây mùi hoặc tạo cảm giác thèm ăn.

Thông thường, đắng miệng ở phụ nữ mang thai sẽ tự biến mất sau khi trải qua 3 tháng đầu thai kỳ hoặc sau khi sinh.

Mang thai là một trong những nguyên nhân gây đắng miệng
Mang thai là một trong những nguyên nhân gây đắng miệng

Khô miệng

Tình trạng này xảy ra khi lượng nước bọt trong miệng tiết ra không đủ. Nước bọt có tác dụng rất lớn trong việc rửa trôi vụn thức ăn và kiểm soát lượng vi khuẩn trong miệng. Vì vậy mà khi nước bọt tiết ra không đủ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây rối loạn vị giác dẫn đến đắng miệng.

Khô miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây đắng miệng
Khô miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây đắng miệng

Nguyên nhân gây khô miệng có thể xuất phát từ việc bạn sử dụng một số loại thuốc điều trị chống dị ứng, giãn cơ, thuốc giảm đau; hút thuốc lá; hoặc mắc một số bệnh lý như tiểu đường, HIV, hội chứng Sjogren,…

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Còn có tên khoa học là Gastroesophageal Reflux Disease (GERD). Biểu hiện của bệnh này chính là tình trạng thức ăn, men tiêu hóa, hơi,… có trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Sự trào ngược này không chỉ làm ngực đau tức, khàn giọng mà còn khiến lượng axit trong khoang miệng tăng lên đột ngột gây đắng và hôi miệng.

Trào ngược dạ dày thực quản gây đắng ở miệng
Trào ngược dạ dày thực quản gây đắng ở miệng

Điều trị ung thư gây đắng miệng

Điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị đều có khả năng gây thay đổi vị giác, tạo cảm giác có vị kim loại hoặc vị đắng trong miệng.

Tổn thương dây thần kinh

Tương tự các giác quan khác trong cơ thể như khứu giác, thính giác, thị giác thì vị giác cũng được kết nối trực tiếp với hệ thống các dây thần kinh của não bộ.

Chính vì vậy mà khi các dây thần kinh não bộ bị tổn thương đều có khả năng gây ra tình trạng rối loạn vị giác, trong đó có đắng miệng.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương dây thần kinh bao gồm: u não, bệnh liệt mặt, động kinh, mất trí nhớ, đa xơ cứng,…

Tổn thương dây thần kinh não bộ gây rối loạn vị giác
Tổn thương dây thần kinh não bộ gây rối loạn vị giác

Suy giảm chức năng gan

Gan là bộ phận giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là chức năng sản xuất và tiết dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn. Dịch mật này được gan tiết ra thường xuyên cả khi ăn và không ăn.

Khi chức năng gan bị suy giảm sẽ dẫn đến tình trạng giảm tiết dịch mật gây rối loạn về tiêu hóa, đau tức vùng hạ sườn, đắng miệng, bụng đầy trướng,…

Trào ngược dịch mật

Như đã đề cập ở trên, dịch mật được tiết ra từ gan có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Thông thường, giữa dạ dày và tá tràng có van môn vị, chúng đóng vai trò trong việc ngăn không cho thức ăn từ ruột trào ngược vào dạ dày.

Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà van môn vị đóng mở không đúng lúc sẽ gây tình trạng dịch mật trào ngược lên dạ dày.

Lúc này, nếu van tâm vị (cơ quan nằm giữa thực quản và dạ dày) mở sẽ khiến dịch mật trào ngược lên thực quản. Chính vì vậy mà hiện tượng trào ngược dịch mật cũng là yếu tố gây ra đắng miệng.

Trào ngược dịch mật khiến miệng có vị đắng
Trào ngược dịch mật khiến miệng có vị đắng

Sử dụng thuốc gây đắng miệng

Một số loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc lithium hoặc một số loại vitamin có chứa kim loại như đồng, sắt, kẽm,… sẽ khiến vị giác bị rối loạn.

Nấm miệng gây đắng miệng

Nấm men trong miệng là các vết đốm màu trắng với kích thước không đồng nhất, chúng xuất hiện ở lưỡi, má trong hoặc cổ họng. Nấm men khiến vị giác bị ảnh hưởng, cụ thể là thường xuyên có vị đắng trong miệng.

Nấm men khiến vị giác bị rối loạn
Nấm men khiến vị giác bị rối loạn

Căng thẳng gây đắng miệng

Khi căng thẳng, lo lắng sẽ tạo ra các kích thích phản ứng trong cơ thể. Mức độ căng thẳng càng nghiêm trọng, cơ thể càng có những phản ứng rõ ràng hơn, cụ thể là sự thay đổi vị giác, cảm giác.

Và hơn hết, nếu tình trạng lo lắng diễn ra thường xuyên, liên tục sẽ dẫn đến chứng khô miệng, nguyên nhân gây ra vị đắng trong miệng.

Bệnh lý về răng miệng

Trường hợp bạn mắc các bệnh lý nha khoa như: viêm lợi. viêm nha chu, giảm tiết nước bọt, sâu răng,… cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra hiện tượng đắng miệng. Do đó, hãy chú ý đến quá trình vệ sinh răng miệng hằng ngày nếu muốn khắc phục đắng miệng và các bệnh lý nha khoa.

Viêm nha chu cũng làm tăng nguy cơ đăng miệng
Viêm nha chu cũng làm tăng nguy cơ đăng miệng

Rối loạn tiêu hóa gây đắng miệng

Khi bạn thường xuyên đối mặt với chứng khó tiêu, rất có thể bạn đang gặp vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Bệnh này không chỉ khiến cơ thể khó chịu, mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng đến vị giác, luôn cảm thấy có vị đắng hoặc mặn trong miệng, nghiêm trọng hơn còn khiến hơi thở có mùi.

Mãn kinh gây đắng miệng

Vào thời kỳ mãn kinh, hàm lượng estrogen trong cơ thể giảm xuống gây ra một số triệu chứng điển hình như ợ nóng, đắng miệng, khó chịu,…

Cảm lạnh gây đắng miệng

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mắc bệnh nhiễm trùng, cảm cúm cơ thể sẽ giải phóng một protein (TNF), lúc này các tế bào vị giác trên lưỡi sẽ phản ứng với TNF làm tăng vị đắng trong miệng.

Cảm lạnh cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng đắng miệng
Cảm lạnh cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng đắng miệng

Cách giúp bạn hết đắng miệng

Để cải thiện tình trạng đắng miệng, ổn định lại vị giác, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:

Vệ sinh răng miệng tốt

Thói quen vệ sinh răng miệng tốt không chỉ giúp loại bỏ vị đắng trong miệng mà còn ngăn ngừa được các bệnh lý về nha khoa.

Theo khuyến cáo của nha sĩ, mỗi ngày bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Thời gian dành cho mỗi lần chải răng khoảng từ 2 – 3 phút để đảm bảo làm sạch mảng bám, vụn thức ăn và vi khuẩn.

Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa dính giắt trong kẽ răng. Kết hợp sử dụng nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn, ngăn ngừa hôi miệng, đắng miệng.

Vệ sinh răng miệng khoa học
Vệ sinh răng miệng khoa học

Bên cạnh đó, bạn cũng không quên chải lưỡi thường xuyên. Vì nơi đây thường tập trung nhiều vi khuẩn gây nấm men, làm ảnh hưởng đến vị giác.

Sử dụng thực phẩm kích thích tuyến nước bọt

Một trong những cách cho khả năng tăng tiết nước bọt nhanh nhất là sử dụng kẹo cao su hoặc kẹo không đường.

Tăng cường bổ sung nước lọc và một số loại nước trái cây có vị chua như nước cam, dâu tây, nước chanh,…

Bổ sung một số loại trái cây có vị chua
Bổ sung một số loại trái cây có vị chua

Hạn chế những thực phẩm cay nóng. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

Điều trị bệnh lý

Trường hợp đắng miệng xuất phát từ bệnh lý răng miệng, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra phương án điều trị cụ thể.

Điều trị bệnh lý răng miệng
Điều trị bệnh lý răng miệng

Bên cạnh đó, với những trường hợp mắc bệnh lý toàn thân như cảm cúm, trào ngược dạ dày, trào ngược dịch mật,… bạn nên đến thăm khám sớm tại bệnh viện để được điều trị triệt để.

Như vậy có thể thấy tình trạng đắng miệng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chúng có thể là biểu hiện tạm thời của bệnh cảm cúm hoặc trong quá trình mang thai, song cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nha khoa và toàn thân khác. Do đó, bạn không nên chủ quan, trường hợp đắng miệng kéo dài và xảy ra thường xuyên, hãy đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.

SoraDental

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nha khoa chúng tôi tin rằng có thể cung cấp các thông tin hữu ích nhất về kiến thức răng miệng.

Trả lời