Lưỡi trắng là tình trạng tương đối phổ biến mà ai cũng có nguy cơ mắc phải. Chúng còn thường đi kèm với hôi miệng và nhiều triệu chứng khác. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra chứng lưỡi trắng sẽ rất có lợi trong quá trình điều trị triệt để.
Lưỡi trắng là bệnh gì?
Lưỡi trắng là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng lưỡi xuất hiện một lớp phủ màu trắng hoặc trắng sữa. Trong đa số các trường hợp, lưỡi trắng chỉ mang tính tạm thời, tức có thể tự khỏi.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, lưỡi trắng là dấu hiệu cảnh bảo một số bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây ra lưỡi trắng
Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lưỡi trắng, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Vệ sinh răng miệng kém
Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng lưỡi xuất hiện các bợn trắng. Do quá trình chăm sóc, vệ sinh không tốt khiến các nhú (papillae) trên bề mặt lưỡi bị sưng, viêm.
Khi ăn uống, mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn bị mắc kẹt vào giữa những u nhú này và gây tích tụ mảng trắng.
Bên cạnh vấn đề vệ sinh răng miệng kém thì lưỡi trắng có thể xuất phát từ các nguyên nhân không phải bệnh lý như:
– Cơ thể thiếu nước hoặc mất nước nghiêm trọng
– Hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê,…
– Bị khô miệng do thở bằng miệng, sử dụng nước súc miệng chứa cồn
– Hoặc cũng có thể vùng lưỡi bị kích ứng bởi các phần sắc nhọn do răng mẻ, dây cung thừa, mắc cài hoặc thành phần trong răng giả tháo lắp
Lưỡi trắng ở người bị liken phẳng trong miệng
Đây là tình trạng mà niêm mạc má, lưỡi, môi, nướu xuất hiện các tổn thương, còn gọi là đường sừng hóa màu trắng. Thông thường, người bị liken phẳng ở miệng, bên cạnh mảng trắng còn có thêm nhiều triệu chứng khác như cảm giác rát, bỏng miệng thậm chí là xuất hiện vết loét.
Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh liken phẳng ở miệng, song chúng lại liên quan đến sự rối loạn miễn dịch của cơ thể, bị kích hoạt bởi một số loại thuốc, hóa chất hoặc chấn thương,…
Bệnh nấm miệng
Bệnh lý này xuất phát từ nấm men Candida. Ban đầu là những vùng niêm mạc bị viêm đỏ, lâu dần sẽ hình thành các hạt trắng đục và mảng trắng dày. Lưỡi trắng xuất phát từ bệnh nấm miệng còn đi kèm với một vài triệu chứng khác như cảm giác đau, khô miệng, đắng miệng hoặc vị giác bị thay đổi.
Nguyên nhân gây ra nấm miệng có thể xuất phát từ hệ miễn dịch yếu, sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài, quá trình điều trị hóa trị bệnh ung thư, hoặc dùng corticosteroid dạng hít để điều trị hen suyễn,…
Bệnh bạch cầu (Leukoplakia)
Hình thành các mảng trắng dày trên lưỡi. Thông thường, những mảng trắng gây ra bởi bệnh bạch cầu không gây hại. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp là những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy mà bạn nên thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Hoặc cũng có thể là do kích ứng từ răng giả.
Bệnh giang mai
Loại bệnh lây truyền qua đường tình dục với biểu hiện là các triệu chứng bên trong miệng như mảng trắng, vết loét,… Đây là bệnh lý tương đối nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng cách sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng hơn, làm các mảng trắng ở lưỡi xuất hiện dày đặc.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Như đã phân tích ngay từ ban đầu, lưỡi trắng là tình trạng rất phổ biến và đa số thường vô hại, chúng có thể tự hết nếu bạn biết cách điều chỉnh lại cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý nguy hiểm. Do đó, nếu tình trạng lưỡi trắng đi kèm với một vài triệu chứng sau đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ:
– Lưỡi trắng mãn tính, đã thay đổi cách vệ sinh chăm sóc nhưng không có chiều hướng suy giảm
– Niêm mạc ở lưỡi dày lên, gây đau đớn khó chịu
– Cổ họng đau rát, sưng đỏ, thậm chí nổi nhiều hạch
– Vị giác bị thay đổi, thường xuyên có cảm giác đắng miệng
– Nhiều trường hợp còn kèm với sốt cao, cứng cổ
Làm gì để điều trị cho bệnh nhân lưỡi trắng?
Bệnh lưỡi trắng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó mà cách điều trị cũng khác nhau.
Điều trị lưỡi trắng tại nhà
Trong trường hợp lưỡi trắng xuất phát từ việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày chưa đúng cách, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Sử dụng nước muối ấm
Muối có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng rất tốt, nhờ đó mà loại bỏ được những tế bào chết tồn đọng trên lưỡi. Cách thực hiện tương đối đơn giản, bạn chỉ cần pha một ít muối với nước ấm, khuấy đều rồi đem súc miệng. Thực hiện 2 lần/ngày sẽ thấy tình trạng lưỡi trắng được cải thiện đáng kể.
- Dùng baking soda
Một nghiên cứu đã chứng minh, các thành phần trong baking soda có thể loại bỏ những vi khuẩn gây hại như vi khuẩn gây nấm miệng Candida, vi khuẩn sâu răng Streptococcus mutans,…
Bạn lấy một lượng baking soda dùng trong nấu ăn cho vào bàn chải và thực hiện thao tác chải răng như thông thường. Hoặc một cách đơn giản, tiện lợi và an toàn hơn là sử dụng những loại nước súc miệng có chứa baking soda.
- Ăn tỏi sống điều trị lưỡi trắng
Trong tỏi chứa thành phần allicin, một hoạt chất có khả năng hoạt động như kháng sinh tự nhiên, giúp ức chế sự hình thành và hoạt động của nấm men cũng như các loại vi khuẩn gây hại.
Mỗi ngày bạn có thể ăn một tép tỏi sống. Tuy nhiên, nếu cách này quá khó đối với bạn, hãy cắt nhỏ và thêm vào vài giọt dầu oliu.
- Dùng bột nghệ trị lưỡi trắng
Tương tự như tỏi, bột nghệ cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả. Đồng thời còn hỗ trợ lành thương nhanh. Lấy một ít tinh bột nghệ chà lên vùng niêm mạc lưỡi rồi súc lại miệng với nước sạch. Thực hiện mỗi ngày một lần, sau một tuần sẽ thấy tình trạng lưỡi trắng được cải thiện đáng kể.
Điều trị chuyên khoa
Đối với những trường hợp lưỡi trắng mãn tính, kéo dài không khỏi rất có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị dựa trên mức độ cũng như nguyên nhân gây bệnh.
- Liken phẳng ở miệng
Thông thường nếu liken phẳng ở miệng chỉ mới xuất hiện những triệu chứng nhẹ thì không cần phải tiến hành điều trị.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hơn với sự xuất hiện dày đặc các mảng trắng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân dùng nước súc miệng từ steroid hoặc kê toa dạng thuốc xịt steroid.
Ngoài ra, một số trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ cần điều trị bằng kháng viêm corticosteroids.
- Bệnh nấm miệng
Nếu lưỡi trắng xuất phát từ bệnh nấm miệng bạn có thể sử dụng thuốc điều trị. Loại thuốc này thường được bào chế ở dạng gel, chất lỏng bôi lên miệng hoặc dạng viên uống, viên ngậm. Lưu ý, khi sử dụng bất kỳ dạng nào thì cũng cần kê đơn của bác sĩ.
- Bệnh bạch cầu (Leukoplakia)
Cũng giống như liken phẳng ở miệng, bệnh bạch cầu (Leukoplakia) thường vô hại, chúng sẽ tự khỏi sau vài tuần nếu bạn loại bỏ được những yếu tố gây kích thích như thuốc lá, răng giả, khí cụ chỉnh nha,…
Trong rất ít trường hợp, lưỡi trắng do bệnh bạch cầu có thể là biểu hiện của ung thư miệng. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị cụ thể.
- Bệnh giang mai
Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong trường hợp lưỡi trắng do bệnh giang mang gây ra. Thời gian sử dụng cũng như số lượng thuốc kháng sinh cần dùng sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Các vấn đề răng miệng
Trong trường hợp lưỡi bị kích ứng do phần sắc nhọn của chiếc răng bị mẻ, bị sâu, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ khắc phục. Tùy vào mức độ răng sứt mẻ mà nha sĩ sẽ chỉ định hàn trám hoặc bọc răng sứ.
Phòng ngừa bệnh lưỡi trắng
Để phòng ngừa bệnh lưỡi trắng, bạn cần lưu ý một vài vấn đề sau trong quá trình chăm sóc, vệ sinh răng miệng tại nhà:
– Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, ở mỗi lần chải nên dành ra trung bình khoảng 2 – 3 phút để đảm bảo các mặt của răng đều được làm sạch.
– Sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa dính giắt trong kẽ răng.
– Súc miệng hằng ngày với nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý sẽ giúp loại bỏ được những vi khuẩn gây viêm nhiễm.
– Bên cạnh chải răng, bạn cần kết hợp vệ sinh lưỡi thường xuyên. Thực hiện chải từ trong ra ngoài để loại bỏ vi khuẩn và vụn thức ăn tồn đọng trên bề mặt lưỡi. Bạn có thể vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc cân nhắc mua đồ cạo lưỡi chuyên dụng để mang lại kết quả tốt nhất.
– Xây dựng lối sống lành mạnh, tránh những sản phẩm từ thuốc lá hoặc đồ uống chứa cồn gây khô miệng.
– Tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin và khoáng chất tốt cho răng.
– Thăm khám, cạo vôi răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần tại nha khoa để răng nướu và lưỡi luôn sạch sẽ khỏe mạnh.
Bệnh lưỡi trắng đa phần thường vô hại nhưng cũng có trường hợp là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn không nên mang tâm lý chủ quan. Hy vọng những thông tin trên bài viết đã giúp bạn phần nào hiểu được nguyên nhân cũng như dấu hiệu của bệnh lưỡi trắng, từ đó có cách điều trị hiệu quả nhất.