Nguyên nhân trẻ nghiến răng khi ngủ và cách khắc phục

Theo thống kê, cứ 10 trẻ thì có 2 – 3 trẻ gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ, phổ biến nhất là các bé dưới 5 tuổi. Vậy nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ là gì? Tác hại của nghiến răng? Và cách điều trị, phòng ngừa như thế nào?

Nguyên nhân và tác hại khi trẻ gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ
Nguyên nhân và tác hại khi trẻ gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ

Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là gì?

Nghiến răng là thuật ngữ y khoa dùng để miêu tả tình trạng hàm trên và hàm dưới cắn chặt vào nhau, đôi khi tạo ra những âm thanh ken két. Tình trạng này thường xảy ra trong giấc ngủ sâu.

Hiện nay, lý do trực tiếp dẫn đến tật nghiến răng ở trẻ vẫn chưa có bất kỳ kết luận từ nghiên cứu nào. Tuy nhiên, có một số yếu tố chủ quan và khách quan được xem là có mối liên hệ với chứng nghiến răng, bao gồm:

Tâm lý lo lắng: Tâm lý, cảm xúc của trẻ thường rất dễ bị ảnh hưởng. Có thể chỉ vì một lý do đơn giản nào đó, chẳng hạn như đi học làm mất bút, trẻ sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng. Tâm lý này có thể gây ra tật nghiến răng khi ngủ ở trẻ như một cơ chế giúp trẻ phản ứng lại với những cảm xúc thất thường.

Tâm lý lo lắng, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây nghiến răng ở trẻ
Tâm lý lo lắng, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây nghiến răng ở trẻ

Do trẻ mọc răng: Khi mọc răng, trẻ có cảm giác đau ngứa. Việc nghiến răng có thể giúp trẻ giảm bớt cảm giác khó chịu và thoải mái hơn. Nếu xuất phát từ yếu tố này thì sau khi hoàn tất quá trình mọc răng, tật nghiến răng của con sẽ tự động biến mất.

Do trẻ bị sai lệch khớp cắn: Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được mối liên hệ giữa chứng nghiến răng khi ngủ với tình trạng lệch khớp cắn. Theo đó trong số 100 trẻ nghiến răng thì có 13% trẻ đồng thời bị lệch khớp cắn. Tật nghiến răng xuất phát từ yếu tố này cần đến sự can thiệp của nha sĩ.

Trẻ bị nhiễm giun kim: Loại ký sinh trùng này khi ký sinh trong cơ thể người sẽ tiết ra một loại độc tố khiến cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng và tạo ra phản ứng nghiến răng.

Do trẻ bị dị ứng: Đây cũng là một trong những yếu tố gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ. Trẻ bị dị ứng, hoạt động nghiến răng sẽ giúp làm giảm cảm giác khó chịu.

Phản ứng thuốc: Trẻ bị bệnh và phải sử dụng một số loại thuốc điều trị đặc thù như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần cũng gây ra tình trạng nghiến răng do tác dụng phụ của thuốc.

Trẻ sử dụng thuốc chống trầm cảm có khả năng gây tác dụng phụ là nghiến răng
Trẻ sử dụng thuốc chống trầm cảm có khả năng gây tác dụng phụ là nghiến răng

Dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị nghiến răng khi ngủ

Hầu hết trẻ em gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ đều không tự nhận thức được, thường cha mẹ, anh chị hoặc những người ngủ bên cạnh mới có thể xác định được vấn đề. Một số dấu hiệu chứng tỏ con bạn đang mắc tật nghiến răng:

– Khi trẻ ngủ thường phát ra những âm thanh ken két, âm thanh đặc biệt rõ ràng khi trẻ ngủ say

– Sau khi thức dậy, trẻ hay kêu đau ở hai bên hàm, trán hoặc tai

– Việc nhai thức ăn trở nên khó khăn, thậm chí nhiều trẻ còn trở nên biếng ăn

– Răng của con bị mòn, mẻ hoặc nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với thực phẩm ngọt, sự chênh lệch nhiệt độ

Trẻ bị đau mỏi hai bên hàm có thể là dấu hiệu của tật nghiến răng
Trẻ bị đau mỏi hai bên hàm có thể là dấu hiệu của tật nghiến răng

Tác hại của nghiến răng

Có nhiều trường hợp trẻ em nghiến răng mà không gây ảnh hưởng tiêu cực nào nhưng cũng có trường hợp lại gặp triệu chứng mỏi hàm, đau ở tai hoặc đầu sau khi thức dậy.

Đặc biệt, trong một số ít trường hợp vì nghiến và siết chặt răng mà làm men răng bị mòn, bị sứt mẻ, tăng tính nhạy cảm với nhiệt độ. Điều này có thể dễ dẫn đến tình trạng sâu răng hoặc khiến vấn đề sâu răng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, khi răng bị mòn, lộ ngà răng, con sẽ gặp tình trạng đau nhức khi ăn nhai, biếng ăn, lâu dần gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cản trở sự phát triển về thể chất của con.

Trẻ biếng ăn do tình trạng mòn răng gây đau nhức
Trẻ biếng ăn do tình trạng mòn răng gây đau nhức

Bên cạnh đó, nghiến răng còn gây ra các vấn đề về bệnh khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, hội chứng khớp thái dương hàm rất ít xảy ra ở trẻ trừ khi việc nghiến răng đã trở thành mãn tính và không được can thiệp trong suốt một thời gian dài.

Ngoài ra, tình trạng nghiến răng của trẻ sẽ gây khó chịu với các thành viên trong gia đình vì tiếng ồn sát bên tai.

Chứng nghiến răng khi ngủ của trẻ em kéo dài bao lâu?

Mặc dù trẻ em là đối tượng dễ mắc phải chứng nghiến răng khi ngủ song thói quen này sẽ được thay đổi khi chúng lớn lên hoặc giai đoạn thay răng vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp trẻ không thể chủ động thay đổi được thói quen và dần thành mãn tính. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Vì vậy bố mẹ cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc con để kịp thời phát hiện và có những cách giải quyết phù hợp.

Điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ em bằng cách nào?

Ngay khi phát hiện con mình có những dấu hiệu của tật nghiến răng, bạn nên đưa con đến gặp nha sĩ để được thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra những tổn thương trên răng (nếu có) và đặt một số câu hỏi nhằm xác định yếu tố tác động đến tình trạng nghiến răng của con, từ đó có những giải pháp phù hợp.

Cho trẻ thăm khám nha khoa để nha sĩ có giải pháp phù hợp
Cho trẻ thăm khám nha khoa để nha sĩ có giải pháp phù hợp

Nếu trẻ nghiến răng khi ngủ là do căng thẳng, áp lực từ việc học tập hoặc bạn bè thì hãy giúp con giải quyết các vấn đề căng thẳng này bằng cách tâm sự, nói chuyện với con, kể chuyện cho con nghe,… để chúng được thoải mái đi vào giấc ngủ.

Nếu xuất phát từ nguyên nhân mọc răng làm đau nướu thì hãy giúp trẻ giảm đau bằng cách chườm lạnh. Cùng với đó, hãy cho trẻ ngậm núm vú giả để giảm cảm giác khó chịu trong thời gian mọc răng. Điều này sẽ cải thiện được tật nghiến răng khi ngủ của con.

Trường hợp trẻ nghiến răng do mọc răng không đều, bác sĩ sẽ cho sử dụng máng chống nghiến. Thời gian đầu, con có thể chưa quen và hơi khó chịu, tuy nhiên cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi sau một vài ngày. Hãy hình thành cho con thói quen đeo máng chống nghiến mỗi tối đi ngủ.

Cho trẻ sử dụng máng chống nghiến để bảo vệ răng
Cho trẻ sử dụng máng chống nghiến để bảo vệ răng

Bên cạnh đó, bố mẹ cần kết hợp thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày của con một cách khoa học. Đồng thời, tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện tẩy giun định kỳ.

Phòng ngừa nghiến răng

Thông thường, tật nghiến răng của trẻ là một phản ứng tự nhiên trong quá trình phát triển. Điều này hầu như không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu nghiến răng xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng, lo lắng thì bố mẹ có thể chủ động hướng dẫn con phòng tránh bằng cách:

– Thường xuyên nói chuyện với con để tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên giúp trẻ giải quyết vấn đề căng thẳng.

– Tránh gây áp lực cho con, trường hợp trẻ làm sai hãy nhẹ nhàng khuyên giải, không nên la mắng hoặc đánh đập. Điều này sẽ khiến tâm lý của trẻ trở nên căng thẳng và nhạy cảm hơn.

Tâm sự và đưa ra những lời khuyên cần thiết cho con
Tâm sự và đưa ra những lời khuyên cần thiết cho con

– Dành ra một vài ngày trong tháng để dẫn con đi dã ngoại, leo núi hoặc đơn giản là vui chơi ở công viên.

– Xây dựng cho con thực đơn ăn uống khoa học, dinh dưỡng, tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu canxi, magie như thịt đỏ, hải sản, trứng sữa, cá,…

– Đồng thời, hạn chế thức ăn nhanh, bánh kẹo hoặc đồ uống có ga.

– Thay đổi thói quen xấu của con như nhai bút, cắn móng tay, ngậm đồ vật. Điều này sẽ giúp kiểm soát được tật nghiến răng.

– Trước khi đi ngủ, hãy giúp tinh thần con được thoải mái nhất bằng cách tắm nước ấm, nghe nhạc, kể cho con nghe một câu chuyện hài hước,…

Cho con nghe bài nhạc yêu thích trước khi đi ngủ
Cho con nghe bài nhạc yêu thích trước khi đi ngủ

– Cho con sử dụng máng chống nghiến. Lưu ý, máng chống nghiến này không nên tùy tiện mua ở ngoài mà cần được thiết kế riêng tại nha khoa để phù hợp với kích thước răng và xương hàm của con.

Chứng nghiến răng ở trẻ đa phần sẽ thay đổi khi lớn lên, tuy nhiên cũng có một vài trường hợp tiến triển mãn tính và gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Vì vậy mà khi phát hiện con có những dấu hiệu của tật nghiến răng, bố mẹ nên đưa con đến gặp nha sĩ để có giải pháp khắc phục phù hợp.

SoraDental

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nha khoa chúng tôi tin rằng có thể cung cấp các thông tin hữu ích nhất về kiến thức răng miệng.

Trả lời