Hội chứng bỏng rát miệng là một thuật ngữ tương đối quen thuộc trong y khoa dùng để mô tả tình trạng bỏng, đau xót khi ăn uống hoặc thậm chí là những cơn rát vô cớ. Vậy nguyên nhân gây ra hội chứng bỏng rát miệng là gì? Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng bỏng rát miệng và cách khắc phục như thế nào?
Hội chứng bỏng rát là gì?
Thuật ngữ y khoa này dùng để mô tả tình trạng trong miệng thường xuyên xuất hiện những cơn bỏng rát ở vùng lưỡi, nướu, bên trong má hoặc toàn bộ khoang miệng mà không rõ nguyên nhân. Cơn bỏng rát này khiến bạn cảm giác vô cùng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Thông thường, hội chứng bỏng rát có thể xuất hiện đột ngột sau đó tự hết. Song cũng có những trường hợp kéo dài liên tục và tần suất xuất hiện thường xuyên hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng bỏng rát miệng
Một vài triệu chứng của hội chứng bỏng rát miệng mà bạn có thể dễ dàng quan sát là:
– Cảm giác rát, bỏng ở vùng lưỡi, sau đó lan đến khu vực mô nướu, trên vòm miệng, gần cổ họng hoặc có thể xảy ra toàn bộ vùng miệng.
– Có cảm giác khô miệng và thường xuyên khát nước
– Vị giác bị ảnh hưởng khiến bạn thỉnh thoảng cảm nhận có vị đắng hoặc kim loại trong miệng.
Sự khó chịu của hội chứng bỏng rát ở miệng sẽ có nhiều mức độ khác nhau phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Cụ thể như sẽ có trường hợp hơi khó chịu sau khi thức dậy và bắt đầu nặng dần lên trong ngày. Song cũng có trường hợp ngay khi vừa thức dậy đã rất khó chịu và kéo dài cả ngày.
Hội chứng bỏng rát ở miệng có thể xuất hiện không thường xuyên hoặc có thể kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí nhiều trường hợp còn kéo dài cả tháng đến vài năm.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng bỏng rát miệng?
Hiện nay, có rất nhiều lý giải về sự xuất hiện của hội chứng bỏng rát miệng, chúng được chia thành 2 nhóm nguyên nhân gồm nguyên phát và thứ phát.
Hội chứng bỏng rát miệng nguyên phát
Trong trường hợp bác sĩ đã thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến tình trạng này thì được xếp vào hội chứng bỏng rát miệng nguyên phát, tức là nhóm nguyên nhân không rõ căn nguyên, nguồn gốc.
Một số nghiên cứu cho thấy, những trường hợp bỏng rát miệng không rõ nguyên nhân này có liên quan đến dây thần kinh vị giác và thần kinh cảm giác của hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên.
Hội chứng bỏng rát miệng thứ phát
Khi hội chứng bỏng rát miệng là biểu hiện hoặc hậu quả của một vài bệnh lý thì được xác định là nguyên nhân thứ phát. Những vấn đề tiềm ẩn có thể gây ra hội chứng bỏng rát miệng bao gồm:
– Khô miệng, tình trạng này có thể xuất phát từ việc sử dụng các loại thuốc điều trị, bệnh lý nha khoa, chức năng của tuyến nước bọt hoặc tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.
– Nhiễm trùng nấm candida. Nếu xuất phát từ nguyên nhân này, hội chứng bỏng rát miệng còn kèm theo tình trạng tích tụ các mảng trắng trên lưỡi hoặc họng.
– Cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, cụ thể như sắt, kẽm, folate, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 và vitamin B12.
– Trường hợp sử dụng răng giả không vừa tạo áp lực lên các mô hoặc vật liệu không tốt gây tình trạng kích thích khoang miệng.
– Cơ thể bị dị ứng hoặc xảy ra các phản ứng khi sử dụng một số loại thực phẩm, nước hoa, vật liệu nha khoa.
– Trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến tình trạng ợ nóng, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn khiến lượng axit trong khoang miệng tăng lên đột ngột.
– Miệng bị kích thích quá mức do cọ lưỡi, sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có tính mài mòn cao.
– Thói quen thường xuyên sử dụng những thực phẩm, đồ uống có tính axit cao.
– Mắc các bệnh tiểu đường, suy giảm khiến nội tiết trong cơ thể bị rối loạn.
– Cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, trầm cảm.
– Tác dụng phụ của việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị ung thư,…
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hội chứng bỏng rát miệng rất khó xác định được nguyên nhân vì vậy mà việc tự điều trị tại nhà không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhiều trường hợp còn diễn tiến nặng hơn.
Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu của hội chứng bỏng rát miệng, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp.
Cách điều trị hiệu quả
Những kỹ thuật chẩn đoán hội chứng bỏng rát miệng
Như đã đề cập ngay từ ban đầu, không có một xét nghiệm trực tiếp nào có thể xác định được chính xác hội chứng bỏng rát miệng. Thay vào đó, sẽ đưa ra các phán đoán loại trừ. Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh lý, loại thuốc bạn đang sử dụng (nếu có), thói quen chăm sóc răng miệng hằng ngày.
Tiếp theo đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn làm một trong số những xét nghiệm sau để đưa ra chẩn đoán:
– Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng máu, nồng độ đường huyết, chức năng miễn dịch, tuyến giáp hoặc các yếu tố dinh dưỡng nhằm tìm hiểu nguồn gốc gây ra tình trạng bỏng rát miệng.
– Kiểm tra chủng khuẩn ở miệng bằng cách lấy mẫu từ miệng để phân tích, làm sinh thiết nhằm xem xét bạn có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm hay không.
– Thực hiện các xét nghiệm dị ứng để xem bạn có bị dị ứng với loại thực phẩm, chất phụ gia nào không hoặc các chất có trong răng giả.
– Nhiều trường hợp gặp hội chứng bỏng rát miệng do khô miệng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, đo lượng nước bọt.
– Kiểm tra trào ngược dạ dày, yêu cầu chụp MRI hoặc thực hiện các chẩn đoán hình ảnh khác để loại trừ các vấn đề về sức khỏe.
– Làm các câu hỏi trắc nghiệm, kiểm tra tâm lý để xem bạn có đang gặp triệu chứng trầm cảm, lo âu không,…
Những phương pháp điều trị hội chứng bỏng rát miệng
Việc điều trị hội chứng bỏng rát miệng thường không có phương pháp cụ thể, điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cảm giác khó chịu ở miệng.
Cụ thể, trường hợp bạn thiếu hụt nhóm vitamin B, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn xây dựng lại tháp dinh dưỡng, sử dụng một số loại thuốc giúp cung cấp vitamin. Hoặc trường hợp xuất phát từ việc dị ứng các thành phần có trong răng giả kém chất lượng, sẽ chỉ định bạn thay răng mới.
Như vậy có thể thấy, việc xác định được nguyên nhân gây bỏng rát ở miệng là vô cùng quan trọng. Dựa vào đó, các phương án điều trị mới đi đúng hướng, từ đó cải thiện được chứng bỏng miệng.
Tuy nhiên, trường hợp bị hội chứng bỏng miệng nguyên phát, tức không có nguyên nhân thì việc lên phương án điều trị triệt để là rất khó và hầu như không có một phương pháp nào là chắc chắn. Lúc này, bạn có thể áp dụng một vài phương pháp có tác dụng làm giảm triệu chứng bỏng rát trong miệng như:
– Một số sản phẩm có khả năng kích thích tuyến nước bọt
– Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng có chứa lidocain
– Dùng thuốc giảm đau capsaicin, một loại thuốc giảm đau chiết xuất từ ớt
– Hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm, chặn đau dây thần kinh
Lưu ý, khi sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng đều cần có chỉ định và kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dụng.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng bỏng rát miệng
Theo thống kê, khoảng 2% dân số mắc hội chứng bỏng rát miệng. Trong đó, nữ giới được chẩn đoán là có khả năng dễ mắc hơn so với nam giới.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng bỏng rát miệng như:
– Nữ giới
– Thời kỳ mãn kinh
– Trên 50 tuổi
– Thực hiện các thủ thuật nha khoa như đeo răng giả
– Bị dị ứng với thực phẩm hoặc phụ gia
– Đang sử dụng một số loại thuốc điều trị
– Thường xuyên lo lắng, căng thẳng, bị trầm cảm
Bạn nên phòng ngừa hội chứng bỏng rát miệng như thế nào?
Những thói quen trong sinh hoạt hằng ngày có khả năng ngăn ngừa hoặc hạn chế diễn biến nặng hơn của hội chứng bỏng rát miệng:
– Uống nhiều nước lọc để giảm cảm giác khô miệng. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể bổ sung các loại nước ép, sinh tố giàu vitamin.
– Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm và nước uống có tính axit cao, nước ngọt có ga,…
– Không hút thuốc lá hoặc đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê,…
– Tránh những thực phẩm cay nóng khiến niêm mạc miệng bị kích ứng.
– Sử dụng loại kem đánh răng hoặc nước súc miệng dành cho răng nhạy cảm.
– Giảm stress, căng thẳng, giữ cho tinh thần thoải mái bằng cách tập luyện thể dục thể thao, nghe nhạc, đọc sách,…
Hội chứng bỏng rát miệng không chỉ gây khó chịu trong khoang miệng mà còn cản trở quá trình ăn uống. Do đó, bạn nên sớm đến bệnh viện thăm khám ngay khi phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng này.