Răng bị nứt ngang là một dạng chấn thương nha khoa mà nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Vì sao răng lại bị nứt?
Răng bị nứt ngang làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười, đồng thời còn gây đau nhức, ê buốt. Về lâu dài, răng bị nứt ngang còn khiến chức năng ăn nhai suy giảm, cơ thể suy nhược và nhiều hệ lụy khác. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng răng bị nứt ngang.
Chấn thương do tai nạn
Trong cuộc sống, công việc hằng ngày không thể tránh khỏi tai nạn ngoài ý muốn như va đập, tai nạn giao thông,… Lực tác động mạnh này sẽ khiến răng bị nứt ngang, nứt dọc, thậm chí là gãy răng.
Ăn nhai đồ quá cứng
Thường xuyên nhai đá lạnh hoặc vô tình cắn phải sạn trong cơm cũng có thể tạo ra những vết nứt trên thân răng. Mặt khác, thói quen ăn nhai đồ cứng còn khiến men răng bị tổn thương, trở nên nhạy cảm hơn trước thực phẩm chua ngọt hoặc sự chênh lệch của nhiệt độ.
Cơ thể thiếu chất
Trường hợp răng xuất hiện vết nứt đột ngột nhưng không xuất phát từ lực tác động từ bên ngoài thì đó là do cơ thể bạn đang thiếu các thành phần quan trọng quyết định đến sức khỏe của răng miệng như canxi, fluor, vitamin D, C,…
Sử dụng răng sai mục đích
Nhiệm vụ chính của răng là nhai, nghiền thức ăn. Tuy nhiên, nhiều người lại không quá quan tâm đến sức khỏe của răng, thường xuyên dùng chúng như một công cụ để cạy mở nắp chai, xé đồ vật, cắn chỉ, cắn móng tay,… Những hành động này nếu lặp lại thường xuyên sẽ khiến răng bị nứt, mẻ.
Răng nứt điều trị như thế nào?
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu của tình trạng nứt răng bạn nên sắp xếp thời gian đến nha khoa sớm để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.
Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chỉ định chụp X – Quang cho người bệnh. Những yếu tố như vị trí, mức độ vết nứt sẽ quyết định đến phương pháp điều trị. Cụ thể:
Trám răng
Đây là kỹ thuật mà bác sĩ sẽ sử dụng Composite, vật liệu trám răng hiện đại nhất hiện nay đắp vào những vết nứt, tạo hình sao cho giống với men răng thật, sau đó chiếu đèn Halogen để miếng trám cứng chắc, kết dính vào răng thật tạo thành một khối hoàn chỉnh.
Trám răng là thủ thuật tương đối đơn giản trong nha khoa nên thời gian thực hiện chỉ mất khoảng 15 – 20 phút và chi phí cũng rất tiết kiệm, phù hợp với khả năng chi tiêu của hầu hết mọi người.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng phương pháp này còn tồn tại một vài vấn đề là nhiễm màu thực phẩm, dễ bong tróc sau một thời gian sử dụng. Ngoài ra, với những trường hợp vết nứt lớn, sâu thì kỹ thuật hàn trám sẽ không đảm bảo mang lại kết quả tốt nhất.
Bọc răng sứ
Phương pháp này giúp khắc phục mọi hạn chế của thủ thuật trám răng. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ những mô viêm nhiễm và điều trị tủy (nếu cần), sau đó mài đi một lớp men răng bên ngoài theo tỷ lệ cho phép rồi bọc mão răng sứ lên trên.
Mão răng sứ này được thiết kế dựa trên dấu hàm cụ thể của từng người bệnh nên khít sát với cùi răng thật, cho khả năng ăn nhai chắc chắn. Tuổi thọ của răng sứ duy trì trung bình từ 5 – 10 năm, thậm chí là 20 năm hoặc lâu hơn nếu bạn chọn loại răng sứ chất lượng và biết chăm sóc đúng cách.
Nhổ răng
Nhổ răng là chỉ định cuối cùng trong điều trị nha khoa. Do đó nếu vết nứt ngang quá lớn, khiến thân răng bị gãy sát nướu, tủy răng bị tổn thương thì hầu như không có cách để cứu vãn.
Việc nhổ bỏ răng lúc này có ý nghĩa quan trọng giúp bệnh nhân loại bỏ được những cơn đau nhức nghiêm trọng. Đồng thời còn ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm sang các răng bên cạnh.
Sau khi nhổ răng, người bệnh nên sớm trồng lại răng giả để khôi phục thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Hiện nay, cấy ghép Implant được đánh giá là một trong những phương pháp trồng răng giả toàn diện nhất, được các nha khoa trên thế giới khuyên dùng.
Phương pháp này giúp phục hình được cả thân và chân răng đã mất. Nhờ đó mà cho lực nhai tương tự như răng thật. Đặc biệt còn ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm, tuổi thọ trung bình khoảng 20 năm, thậm chí là vĩnh viễn nếu chăm sóc tốt.
Ngăn ngừa nứt răng bằng các phương thức sau
Để ngăn ngừa nứt răng, bạn cần có ý thức hơn trong việc chăm sóc răng miệng, có biện pháp hạn chế tối đa những chấn thương không mong muốn có thể xảy ra:
– Chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước muối sinh lý loại bỏ mảng bám, vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.
– Chọn loại kem đánh răng, nước súc miệng chứa nồng độ fluor phù hợp để răng được chắc khỏe.
– Nhai thức ăn đều ở hai bên hàm, tránh tình trạng nhai một bên khiến men răng bị mài mòn.
– Hạn chế thực phẩm cứng dai. Tuyệt đối không dùng răng cạy mở nắp chai, cắn móng tay, cắn bút,…
– Sử dụng máng chống nghiến nếu bạn nghiến răng và dụng cụ bảo vệ hàm nếu thường xuyên chơi thể thao.
– Tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin, khoáng chất tốt cho răng như: thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa, rau xanh,…
– Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa định kỳ giúp kiểm soát, kịp thời ngăn ngừa những vấn đề răng miệng có thể xảy ra.
Trên bài viết là những thông tin về tình trạng răng nứt ngang. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân của nứt răng, từ đó có cách ngăn ngừa phù hợp.