Răng bị ê buốt không chỉ khiến quá trình ăn uống bị cản trở mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân tại sao răng bị ê buốt và cách khắc phục như thế nào?
1. Những tác nhân gây ra tình trạng răng ê buốt
Răng ê buốt là hiện tượng mà người bệnh sẽ có cảm giác buốt khi sử dụng những thực phẩm nóng, lạnh, đồ chua, đồ ngọt, thậm chí ngay cả khi uống nước hoặc hít thở trong điều kiện không khí lạnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ngà răng bị lộ. Thông thường, ngà răng được bảo vệ bởi lớp men răng. Khi lớp men này bị mài mòn hoặc tổn thương, khiến ngà răng bị lộ ra, tiếp xúc với những tác động từ bên ngoài sẽ gây nên những cơn đau nhức hoặc cảm giác ê buốt khó chịu.
Dưới đây là những thói quen trong sinh hoạt hoặc chế độ ăn uống hằng gây ra tình trạng răng nhạy cảm như:
Chăm sóc răng miệng không đúng cách
Chải răng sai cách như thường xuyên chải ngang với lực mạnh, chải quá nhiều lần trong ngày, dùng bàn chải lông cứng hoặc kem đánh răng có độ mài mòn cao sẽ khiến nướu và men răng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng ê buốt.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Thường xuyên sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn, nước uống chứa nhiều axit như: đồ chua, cóc, xoài, me,…. qua một thời gian chúng sẽ khiến men răng bị mài mòn, lộ ngà răng gây ê buốt.
Thực hiện các phương pháp thẩm mỹ nha khoa
Sau khi bọc răng sứ hoặc tẩy trắng răng, bạn có thể sẽ gặp tình trạng ê buốt do răng bị tác động. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ biến mất khoảng 2 – 3 ngày sau đó. Song cũng có những trường hợp ê buốt kéo dài, điều này xuất phát từ việc thực hiện tại nha khoa kém uy tín, bác sĩ thiếu chuyên môn, kinh nghiệm.
Mắc các bệnh lý răng miệng
Sâu răng, tụt nướu, răng sứt mẻ lớn tác động đến ngà răng và các dây thần kinh chân răng gây ê buốt. Đặc biệt nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh chuyến biến nặng hơn và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Ngoài ra, tình trạng nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, dùng răng cạy mở nắp chai,… cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng trở nên nhạy cảm hơn.
2. Cách xử lý khi ê buốt chân răng
Khi bị ê buốt chân răng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà sau:
Sử dụng kem đánh răng giảm ê buốt
Lựa chọn những loại kem đánh răng giảm ê buốt, thành phần dưỡng chất trong sản phẩm không chỉ giúp kháng khuẩn, kháng viêm, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển mà còn củng cố lại men răng, cải thiện tình trạng ê buốt.
Súc miệng bằng nước trà xanh
Không chỉ giàu chất chống oxy hóa mà trong lá trà xanh còn chứa hoạt chất có khả năng ức chế chất hòa tan canxi trên răng, cải thiện tình trạng mòn men răng hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng ít lá trà xanh đun với nước và ít muối ăn, sau đó dùng súc miệng hằng ngày.
Nước muối
Nước muối có đặc tính sát khuẩn cao, nhờ đó mà loại bỏ được vi khuẩn gây hại, giảm ê buốt cho răng.
Tuy nhiên, việc tự pha nước muối có thể không chính xác trong việc tính toán tỉ lệ các thành phần. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên mua nước muối sinh lý để súc miệng.
Bài thuốc từ lá trầu không
Đây là mẹo chữa ê buốt răng được dân gian truyền miệng đến ngày nay. Tinh dầu có trong lá trầu không giúp ức chế vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Bạn lấy một vài lá trầu không đem giã nát với muối, rồi hòa chung với 1 chén rượu rồi lọc lấy nước súc miệng.
Mặc dù những phương pháp này đều có khả năng cải thiện tình trạng ê buốt răng. Tuy nhiên, chúng chỉ cho hiệu quả ở một mức độ nhất định.
Trường hợp ê buốt răng do bệnh lý răng miệng, thực hiện các phương pháp thẩm mỹ nha khoa sai kỹ thuật thì những mẹo dân gian trên sẽ không mang lại hiệu quả. Cách xử lý tốt nhất là bạn nên đến thăm khám tại nha khoa.
Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, xác định nguyên nhân gây ê buốt. Tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cho phù hợp.
Chẳng hạn như trường hợp mức độ men răng bị mài mòn thấp, bác sĩ sẽ sử dụng fluor để tái tạo lại và đưa ra lời khuyên để chọn loại kem đánh răng phù hợp.
Trong trường hợp ê buốt răng do bệnh lý như sâu răng, răng sứt mẻ,… bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật nha khoa chuyên sâu như trám răng, bọc răng sứ,…
3. Làm thế nào để phòng tránh răng ê buốt
Để ngăn ngừa tình trạng răng ê buốt, vấn đề chăm sóc và vệ sinh răng miệng đóng vai trò tương đối quan trọng. Do đó, bạn cần lưu ý:
Chải răng đúng cách
Mỗi ngày chải răng ít nhất 2 lần. Lưu ý nên dùng bàn chải lông mềm và đánh răng nhẹ nhàng theo chiều dọc của răng hoặc vòng tròn. Đánh răng bằng nước ấm khoảng từ 30 – 40 độ C để hạn chế ê buốt răng.
Dùng chỉ nha khoa
Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần trong ngày để loại bỏ mảng bám. Kết hợp với đó bạn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chứa nồng độ fluor phù hợp.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, canxi và khoáng chất thiết yếu tốt cho răng. Hạn chế thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc đồ uống nhiều axit, chất kích thích, gây hại cho men răng.
Thăm khám nha khoa
Định kỳ 3 – 6 tháng bạn nên đến nha khoa thăm khám và cạo vôi răng. Điều này sẽ giúp bác sĩ sớm phát hiện và kịp thời xử lý những tác nhân gây ê buốt răng.
Bị ê buốt răng thường xuất phát từ quá trình chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày không đúng cách, thiếu khoa học. Do đó, bạn cần thay đổi những thói quen xấu để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt hơn.