Nuốt nước bọt đau họng có thể là hiện tượng của việc tổn thương cổ họng trong quá trình ăn uống, hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề nguy hiểm hơn, cần được thăm khám và điều trị triệt để. Vậy nguyên nhân gây đau họng khi nuốt nước bọt là gì? Khi nào cần gặp bác sĩ điều trị?
Nguyên nhân thường gặp gây đau họng khi nuốt nước bọt
Hầu hết ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác đau họng khi nuốt nước bọt. Đa số trường hợp chỉ đau nhẹ, sau một vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp đau họng khi nuốt nước bọt kéo dài nhiều ngày không khỏi.
Đặc biệt còn đi kèm nhiều triệu chứng như sốt cao, khó nuốt, ho, khàn tiếng,… Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe bạn đang gặp vấn đề và cần được thăm khám để bác sĩ xác định nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả.
Một số nguyên nhân thường gặp gây đau họng khi nuốt nước bọt mà bạn nên biết như:
Viêm họng liên cầu khuẩn
Mặc dù có rất nhiều loài vi khuẩn, virus gây nên tình trạng viêm họng cấp nhưng thường gặp nhất có thể kể đến liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Loài vi khuẩn này còn được đánh giá là khá “đáng sợ” vì chúng có thể gây biến chứng ở tim, thận, khớp. Và nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề cho sức khỏe.
Bệnh lý này ngoài gây ra tình trạng đau họng khi nuốt nước miếng còn đi kèm với một số triệu chứng khác như: sốt cao; xuất hiện đốm trắng trên amidan; hơi thở có mùi hôi, sưng hạch bạch huyết ở cổ, dưới hàm,…
Viêm amidan
Là căn bệnh thường gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi. Amidan là tổ chức nằm ở phía sau hầu họng, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp.
Tuy nhiên, do cấu trúc có nhiều khe và hốc nên amidan cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây viêm nếu người bệnh thực hiện vệ sinh cá nhân kém, sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hay ăn uống đồ lạnh hoặc sống trong môi trường ô nhiễm,…
Khi amidan bị viêm, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau rát họng, khó nuốt, thường xuyên chảy nước dãi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng hơn gây viêm hệ hô hấp, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn máu,…
Viêm nắp thanh quản
Nắp thanh quản còn gọi là thanh thiệt, có nhiệm vụ tương tự như một van đóng mở dùng để ngăn thức ăn, không cho chúng lọt vào khí quản (đường thở). Trong trạng thái bình thường, khi thực hiện động tác nuốt sẽ không gây đau.
Nếu thanh quản bị viêm, sưng, phù nề hoặc nhiễm trùng sẽ gây tình trạng đau họng khi nuốt. Đồng thời còn kèm theo các triệu chứng khác như: sốt, khàn giọng, chảy nước dãi, nói khó, có xu hướng ngồi nghiêng người về phía trước.
Nhiễm nấm men
Phổ biến nhất là nấm Candida. Trên thực tế đây là loại nấm lành tính, tồn tại song song với cơ thể con người, tập trung chủ yếu ở miệng.
Tuy nhiên, chúng sẽ phát triển mất kiểm soát và gây viêm nhiễm nếu cơ thể bạn gặp vấn đề về suy giảm miễn dịch, bệnh tiểu đường, dùng thuốc hóa trị hoặc dùng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc corticoid,…
Viêm họng do nhiễm nấm Candida ngoài gây ra cảm giác đau khi nuốt còn kèm theo các triệu chứng khác như thay đổi vị giác; xuất hiện đốm trắng trên lưỡi, họng, má trong; khóe miệng ửng đỏ,…
Viêm thực quản
Trong nhiều trường hợp, tình trạng nuốt nước bọt đau họng còn là dấu hiệu của bệnh viêm thực quản. Là tình trạng mà niêm mạc thực quản bị tổn thương, viêm nhiễm, chủ yếu xuất phát từ bệnh trào ngược dạ dày.
Hoặc thực quản bị viêm cũng có thể do bỏng nhiệt, bỏng hóa chất, tác dụng phụ của việc sử dụng một số loại thuốc điều trị,…
Bên cạnh triệu chứng đau họng khi nuốt nước bọt, người bị viêm thực quản do chứng trào ngược axit dạ dày còn có những biểu hiện như nóng rát vùng ngực, ợ chua, ợ nóng, ho, nôn ói, cảm giác vướng ở cổ,…
Tổn thương cổ họng trong lúc ăn uống
Trường hợp ăn các món quá nóng, quá cay, uống rượu mạnh, vô tình uống nhầm hóa chất hoặc mắc dị vật,… đều có thể khiến cổ họng bị tổn thương và gây tình trạng đau khi nuốt. Trong trường hợp mắc dị vật, nếu dị vật đã được tiêu hóa thì vết trầy xước ở họng sẽ dần khỏi.
Tuy nhiên, nếu dị vật vẫn còn mắc kẹt, găm vào thịt thì không chỉ gây đau nhói khi nuốt mà còn làm tăng nguy cơ bị thủng ruột, thủng thực quản, thủng quai động mạch chủ, nghiêm trọng hơn còn gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Ung thư vòm họng
Đây là bệnh ung thư rất thường gặp ở vùng đầu cổ mặt. Khi khối u ở vòm họng phát triển, sự gia tăng về kích thước khối u làm chèn ép đến hạch bạch huyết. Từ đó gây đau rát họng và kèm theo các triệu chứng như ho có đờm, ù tai, đau đầu, xuất hiện hạch cổ, đau đầu,…
Ngoài ra, mặc dù không phổ biến nhưng đau họng khi nuốt nước bọt còn có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản, ung thư amidan,…
Cách chữa khi nuốt nước bọt đau họng hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng đau họng khi nuốt nước bọt của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp khác nhau.
Thông thường, với những triệu chứng đau họng do vi khuẩn, virus, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống viêm, kháng sinh, kháng virus,… Kết hợp dùng thêm các loại thuốc dạng viên ngậm, xịt họng hoặc tiêm,..
Ngoài ra, trong một vài trường hợp, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tại chỗ, bác sĩ còn chỉ định can thiệp ngoại khoa nhằm đảm bảo mang lại kết tốt nhất.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Như đã đề cập ngay từ ban đầu, đau họng khi nuốt có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Chính vì vậy mà khi đau họng kéo dài hơn 1 tuần kèm theo các triệu chứng như sốt cao, khó thở, đau nhói tai, đau đầu, ho, nổi hạch cổ và dưới hàm, khàn tiếng trên 2 tuần, khi ho có lẫn máu, đờm trong nước bọt,… thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám, kiểm tra và có phương án điều trị phù hợp.
Lưu ý khi điều trị đau rát cổ họng khó nuốt
Khi bị đau rát cổ họng nhưng chưa thể sắp xếp thời gian đến bệnh viện, bạn có thể “chữa cháy” bằng cách: súc họng nhiều lần trong ngày với nước muối ấm, bổ sung nước đầy đủ, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.
Ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa. Cùng với đó nên hạn chế hoặc tránh những thực phẩm cay nóng, khô và chứa cồn.
Để họng được nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và hạn chế giao tiếp.
Cố gắng thu xếp thời gian đến bệnh viện sớm để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Đau họng khi nuốt nước bọt có thể tự khỏi sau vài ngày nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Do đó bạn không nên chủ quan, hãy gặp bác sĩ khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường hoặc duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.