Nang chân răng là gì? Cách điều trị nang chân răng

Nang chân răng là bệnh lý răng miệng không quá hiếm gặp. Đây được xem là một dạng nhiễm trùng chân răng. Tuy nhiên giai đoạn đầu lại không có triệu chứng và rất khó phát hiện, đến khi bệnh chuyển biến nặng hơn sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy nang chân răng là gì? Nguyên nhân gây nang chân răng và cách khắc phục như thế nào?

Nang chân răng là gì? Cách điều trị nang chân răng hiệu quả
Nang chân răng là gì? Cách điều trị nang chân răng hiệu quả

Nang chân răng là gì?

Nang chân răng xảy ra ở vùng biểu mô xương hàm, chúng có thể là kết quả từ một chiếc răng sâu không được can thiệp điều trị sớm hoặc chiếc răng bị hoại tử. Thông thường, nang chân răng gặp nhiều hơn ở hàm trên, nhất là ở vùng răng cửa.

Nang chân răng là một dạng viêm nhiễm ở chân răng
Nang chân răng là một dạng viêm nhiễm ở chân răng

Nang chân răng tiến triển âm thầm và tương đối chậm nên giai đoạn đầu hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi nang chuyển biến sang giai đoạn nhiễm trùng, gây phồng xương và sưng đau. Lúc này, nang chân răng đã bắt đầu gây tiêu xương hàm, khiến chúng mỏng và dễ vỡ hơn.

Triệu chứng của nang chân răng

Khi bị nang chân răng, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình như:

– Răng có dấu hiệu đổi màu, nhất là vùng chân răng. Đây được xem là dấu hiệu sớm nhất của nang chân răng.

– Khi bệnh chuyển biến nặng hơn sẽ thấy mô nướu ở chân răng sưng phồng, xuất hiện những cơn đau nhức khó chịu, cản trở quá trình ăn nhai.

– Nghiêm trọng hơn, nang này còn có mủ, hơi thở có mùi hôi, sưng mặt, răng lung lay muốn gãy rụng.

Nang chân răng còn rất khó có thể xác định bằng mắt thường, nhất là ở giai đoạn đầu. Do đó, bác sĩ cần chỉ định bệnh nhân chụp X – Quang. Hình ảnh X – Quang của người nang chân răng là xuất hiện vùng thấu quang hình tròn hoặc oval dính với một chân răng chết tủy, răng bên cạnh có xu hướng di lệch.

Hình X - Quang tình trạng nang chân răng
Hình X – Quang tình trạng nang chân răng

Nguyên nhân gây nang chân răng

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng nang chân răng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nang chân răng lại thường xuất hiện trong trường hợp người bệnh có tiền sử về bệnh sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc các chấn thương răng do tai nạn, va đập,…

Những yếu tố này làm làm kích thích tế bào biểu mô Malassez ở chóp răng và phát triển thành nang. Trong một thời gian dài, nang này âm thầm phát triển gây nhiễm trùng, sưng đau, hỏng răng và phá hủy xương hàm.

Nang răng có nguy hiểm không?

Các triệu chứng lâm sàng của nang chân răng trong giai đoạn đầu tương đối ít, hầu như là không có nên rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, bệnh âm thầm phát triển đến khi nang to làm phồng xương, lúc này vùng u bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhức khó chịu, chảy mủ, thậm chí là sưng mặt và răng lung lay.

Nang răng gây sưng mặt
Nang răng gây sưng mặt

Đây là giai đoạn mà bệnh bắt đầu chuyển biến nặng, nếu không được điều trị kịp thời còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như: các mô quanh chóp bị phá hủy, tiêu xương hàm, tiêu hết chân răng và lây lan sang các răng bên cạnh.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nang chân răng có thể dẫn đến mất răng sớm làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, phát âm. Đặc biệt, xương hàm còn bị biến dạng khiến tổng thể gương mặt mất đi vẻ hài hòa, cân đối, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Điều trị nang chân răng

Phương pháp điều trị nang chân răng phổ biến nhất là tiến hành phẫu thuật loại bỏ nang răng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm của nang chân răng mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể, cân nhắc trong việc bảo tồn hay nhổ bỏ răng.

Trường hợp nang chân răng còn nhỏ, xương hàm còn nguyên vẹn chưa bị tổn thương và đặc biệt phần chân răng dự kiến cắt bỏ không quá 1/3 chân răng thì chiếc răng này có thể giữ lại. Bằng các kỹ thuật chuyên khoa, bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ hết nang răng, cắt bỏ cuống răng, điều trị tủy và hàn kỹ ống tủy.

Điều trị loại bỏ nang răng bảo tồn răng thật
Điều trị loại bỏ nang răng bảo tồn răng thật

Trường hợp nang răng phát triển lớn, chuyển biến nghiêm trọng làm tiêu xương hàm, các răng lung lay và phải cắt bỏ quá 1/3 chân răng thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ kết hợp với lấy nang.

Sau khi nang được loại bỏ sẽ hình thành lỗ khuyết hổng xương. Nếu lỗ khuyết hổng này nhỏ thì không cần thực hiện các biện pháp can thiệp vì cơ thể có cơ chế tự động bù đắp bằng tổ chức xơ hoặc biểu mô hóa.

Còn nếu lỗ khuyết hổng lớn, bác sĩ sẽ sử dụng các vật liệu tự thân (vạt cơ, xương) hoặc nhân tạo (cacbon, xi măng) để che kín vết thương, tránh tình trạng nhiễm trùng.

Trong thời gian này, người bệnh cần uống thuốc và tái khám định kỳ tại nha khoa theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bên ngoài nếu chưa được kê đơn. Và hơn hết cần có biện pháp chăm sóc răng miệng đúng cách để tránh tình trạng viêm nhiễm, hỗ trợ vết thương nhanh làm hơn.

Cách phòng ngừa nang chân răng hiệu quả

Như đã đề cập ngay từ ban đầu, nang chân răng thường không có nhiều triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn đầu. Thế nên việc thăm khám và kiểm tra răng miệng định kỳ tại nha khoa là điều cần thiết để ngăn ngừa nang chân răng.

Thăm khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện nang chân răng và có cách xử lý phù hợp
Thăm khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện nang chân răng và có cách xử lý phù hợp

Bên cạnh đó, bạn cũng cần có chế độ vệ sinh và chăm sóc răng miệng đúng cách, khoa học:

– Duy trì thói quen chải răng 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm kết hợp với kem đánh răng có nồng độ fluor phù hợp.

– Bàn chải đánh răng định kỳ 3 tháng bạn nên thay 1 lần hoặc thay bất kỳ khi nào thấy lông bàn chải bị mòn, cách này đảm bảo khả năng làm sạch răng được tốt nhất.

– Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn thừa và mảng bám trong kẽ răng. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa hôi miệng.

– Đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi chơi thể thao để tránh va đập, tai nạn làm ảnh hưởng đến răng.

– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường những thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin và những khoáng chất cần thiết. Hạn chế những thực phẩm dai cứng, nhiều đường, tinh bột và acid như nước ngọt có ga, bánh kẹo, socola,…

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

– Ngưng sử dụng thuốc lá, hạn chế những đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà đậm,…

Nang chân răng là bệnh lý răng miệng nguy hiểm, gây ra những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến ăn nhai, suy giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, việc điều trị sẽ trở nên đơn giản, đảm bảo kết quả tốt nhất cũng như bảo tồn được răng thật. Chính vì vậy mà việc khám nha khoa định kỳ luôn được khuyến cáo thực hiện.

SoraDental

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nha khoa chúng tôi tin rằng có thể cung cấp các thông tin hữu ích nhất về kiến thức răng miệng.

Trả lời