Bệnh khô miệng là tình trạng tương đối phổ biến gây ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, đồng thời cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng là gì, có điều trị được không? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
Triệu chứng khô miệng
Khô miệng là hiện tượng mà lượng nước bọt trong miệng bị giảm sút đáng kể và thường xảy ra đột ngột gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Các triệu chứng điển hình của tình trạng khô miệng là:
– Khô cổ họng và niêm mạc miệng
– Nước bọt có hiện tượng đặc dính
– Thường xuyên cảm thấy khát nước
– Hơi thở có mùi hôi khó chịu
– Vị giác thay đổi
– Không cảm thấy ngon miệng khi ăn
– Môi và khóe miệng bị khô, bong tróc da
Nguyên nhân gây khô miệng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng, trong đó thường gặp nhất có thể kể đến như:
Do đang điều trị bằng thuốc
Theo nghiên cứu, những loại thuốc như chữa dị ứng, cảm lạnh, chống trầm cảm, tăng huyết áp, bàng quang tăng hoạt,… có thể gây khô miệng.
Hoặc trường hợp xạ trị khi điều trị ung thư vùng đầu cổ, tuyến nước bọt có thể bị tổn thương gây khô miệng. Tình trạng tổn thương này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Do chấn thương vùng đầu cổ
Nhiều trường hợp bị chấn thương vùng đầu cổ, sẽ gây ra tình trạng khô miệng. Vì khi va chạm có khả năng làm tổn thương dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu giữa não và tuyến nước bọt, từ đó chúng không nhận được tín hiệu cần phải sản xuất nước bọt.
Hội chứng Sjogren
Là sự rối loạn của hệ miễn dịch, các tế bào bạch cầu sẽ tấn công vào tuyến lệ, tuyến nước bọt gây tình trạng khô mắt, khô miệng.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý làm suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS hoặc xơ nang, viêm khớp dạng thấp, Alzheimer,… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng,…
Một số nguyên nhân khác
Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ khiến tình trạng khô miệng trở nên trầm trọng hơn.
Thói quen thở bằng miệng hoặc tình trạng ngáy khi ngủ cũng là nguyên nhân gây khô miệng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ bị khô miệng do các hormon trong cơ thể có sự thay đổi lớn.
Ảnh hưởng của khô miệng với cơ thể
Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, điều tiết môi trường miệng, tránh tình trạng viêm nhiễm. Do đó, khi khô miệng, lượng nước bọt suy giảm sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn thân.
Nước bọt có tác dụng như một chất làm trơn, mềm thức ăn, khi lượng nước bọt tiết ra không đủ sẽ gây tình trạng khó nuốt. Đồng thời còn làm ảnh hưởng đến vị giác, mất cảm giác ngon miệng khi ăn.
Đặc biệt, nước bọt còn có tác dụng làm sạch vụn thức ăn thừa, trung hòa acid, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, khi khô miệng, vụn thức ăn còn sót lại không được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ẩn, gây ra các bệnh về nướu, sâu răng, hôi miệng,…
Ngoài ra, nước bọt còn đóng vai trò cầm máu và làm lành vết thương nhanh chóng. Trường hợp khoang miệng gặp một số tổn thương chảy máu nhưng lượng nước bọt tiết ra không đủ sẽ khiến vết thương lâu lành, nghiêm trọng hơn còn gây viêm nhiễm.
Chữa khô miệng như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chữa khô miệng phù hợp như:
Trường hợp xác định được chứng khô miệng xuất phát từ việc sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ xem xét điều chỉnh, thay đổi loại thuốc điều trị cho kết quả tương tự nhưng không gây tác dụng phụ là khô miệng.
Nếu tình trạng khô miệng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc như cevimeline, pilocarpine, carboxymethylcellulose, hydroxyethyl cellulose,… để tăng sản xuất nước bọt.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chủ động cải thiện tình trạng khô miệng tại nhà bằng cách uống nhiều nước, tránh thở bằng miệng và điều trị chứng ngáy vào ban đêm.
Mặt khác, khi bị khô miệng nặng gây tình trạng khó nuốt, bạn nên ưu tiên những thực phẩm mềm lỏng như cháo, súp, sữa,… Hạn chế những thực phẩm cay nóng, khô cứng.
Một số lời khuyên khi bị khô miệng
Chứng khô miệng, thiếu nước bọt rất có thể là biểu hiện của vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải, do đó người bệnh không nên chủ quan.
Trường hợp đã áp dụng hầu hết các cách điều trị khô miệng tại nhà nhưng không thể cải thiện, ngược lại còn khiến tình trạng khô miệng trầm trọng hơn, suy giảm chất lượng cuộc sống, bạn cần đến bệnh viện tìm sự trợ giúp của bác sĩ.
Chứng khô miệng cần thời gian điều trị lâu dài, trong thời gian này người bệnh nên phối hợp với bác sĩ, tránh tình trạng bỏ ngang khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn, sức khỏe giảm sút.
Phòng ngừa khô miệng
Để phòng ngừa khô miệng, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ mảng bám và vụn thức ăn thừa dính giắt ở kẽ răng.
– Súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Hoặc bạn có thể dùng nước súc miệng. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng các loại nước súc miệng chứa nhiều cồn vì chúng có thể gây ra chứng khô miệng.
– Khi chải răng, đừng quên vệ sinh vùng lưỡi. Bạn nên chọn mua dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng để làm sạch mảng bám và xác vi khuẩn trên bề mặt lưỡi.
– Thỉnh thoảng bạn có thể dùng chanh chà xát lên lưỡi. Hoặc nhai kẹo cao su không đường. Cách này vừa có tác dụng làm sạch vừa kích thích tiết nước bọt.
– Tăng độ ẩm trong phòng ngủ bằng cách trang bị máy tạo độ ẩm. Trường hợp không đủ điều kiện bạn có thể đặt một chậu nước trong phòng.
– Uống nhiều nước lọc không chỉ tốt cho cơ thể mà còn duy trì được việc sản xuất nước bọt bình thường. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm các loại trái cây nhiều nước và giàu vitamin như cam, quýt, bưởi,…
– Tránh hút thuốc lá, hạn chế những thực phẩm, đồ uống chứa cồn và cafein.
– Không nên dùng thường xuyên thực phẩm nhiều đường, tinh bột, thực phẩm có tính axit cao như: bánh kẹo, các loại đồ muối chua,…
– Thăm khám nha khoa định kỳ để bác sĩ xem xét, kiểm tra và kịp thời xử lý những vấn đề răng miệng phát sinh (nếu có).
Khô miệng là hiện tượng phổ biến, có thể xuất hiện ở hầu hết mọi độ tuổi, giới tính. Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây khô miệng, từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa hợp lý.