Bé mấy tháng mọc răng? Dấu hiệu mọc răng ở trẻ? Và cách chăm sóc trẻ khi mọc răng như thế nào? Đây đều là những câu hỏi được các bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là với những người lần đầu sinh con. Hãy cùng Soradental.com tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Trẻ mấy tháng mọc răng?
Theo tiêu chuẩn chung, trẻ nhỏ sẽ bắt đầu mọc răng từ tháng thứ 6 và quá trình này sẽ diễn ra xuyên suốt cho đến khi trẻ được 2 – 3 tuổi. Lúc này trẻ sẽ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa chia đều cho hàm trên và hàm dưới.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ bắt đầu mọc răng sớm (khoảng tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5) hoặc muộn hơn ( từ tháng thứ 7 – 1 tuổi). Điều này, bố mẹ không cần phải quá lo lắng vì có thể là do thể chất của con hoặc yếu tố di truyền.
Dấu hiệu trẻ mọc răng mẹ cần lưu ý
Mặc dù thời gian mọc răng của các bé có sự khác nhau nhưng hầu hết đều trải qua những triệu chứng sau:
Chảy nước dãi
Thời điểm mọc răng, tuyến nước bọt của trẻ bị kích thích khiến chúng tiết ra nhiều hơn. Đồng thời, chức năng nuốt của trẻ chưa được hoàn thiện nên nước dãi chảy ra nhiều. Vì vậy mà bạn sẽ thấy cằm của trẻ bị ướt.
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng
Khi nước dãi chảy thường xuyên nhưng không được vệ sinh đúng cách sẽ khiến vùng quanh miệng và cằm của trẻ nổi mẩn đỏ, ngứa. Dấu hiệu này tương đối rõ ràng nên bố mẹ cần chú ý để tránh việc con bị gãi gây trầy xước da.
Hay nhai cắn
Mầm răng nhú lên làm cho vùng lợi bị kích thích tạo ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, lúc này phản xạ của trẻ là cắn mọi thứ.
Bị sốt nhẹ
Thời điểm mọc răng khiến hệ miễn dịch của trẻ thay đổi, yếu hơn so với ngày thường, tạo điều kiện cho virus tấn công và gây sốt nhẹ. Đây là hiện tượng khá bình thường nên bố mẹ không cần phải lo lắng.
Lười bú
Nhiều trường hợp nướu của trẻ bị kích thích gây đau và sưng tấy sẽ dẫn đến tình trạng lười bú, biếng ăn.
Bên cạnh đó, khi mọc răng trẻ còn xuất hiện một vài triệu chứng khác như quấy khóc, ngủ không ngon, hay giật mình,…
Những triệu chứng này thường biểu hiện rõ ràng khi mọc những chiếc răng đầu tiên, sau đó chúng sẽ giảm dần và hết hẳn.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc mọc răng
Việc mọc răng của trẻ sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Di truyền: Nếu gia đình có ông bà hoặc bố mẹ mọc răng sớm hoặc muộn thì con sinh ra cũng có khả năng thừa hưởng gen này.
- Chế độ dinh dưỡng: Mầm răng của con được hình thành ngay khi còn trong bụng mẹ. Do đó dinh dưỡng trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến thời gian mọc răng của con sau này. Bên cạnh đó, việc trẻ ăn dặm trễ cũng là nguyên nhân khiến trẻ mọc răng chậm do nướu và mầm răng không được kích thích.
- Trẻ mắc bệnh còi xương: Bệnh còi xương khiến trẻ chậm phát triển về chiều cao, cân nặng và thời gian mọc răng cũng muộn hơn so với những đứa trẻ bình thường.
- Ngoài ra, trường hợp trẻ mắc các bệnh như: suy giảm hoạt động của tuyến giáp, hội chứng Down, tuyến yên hoạt động không bình thường,… cũng là yếu tố tác động đến thời gian mọc răng của trẻ.
Quá trình mọc răng ở trẻ sơ sinh diễn ra như thế nào?
Thời gian mọc răng sữa của trẻ thường sẽ diễn ra từ tháng thứ 6 và kết thúc khi được 2 – 3 tuổi. Quá trình này diễn ra như sau:
4 răng cửa sữa trung tâm (6 – 8 tháng): Đây là nhóm răng xuất hiện đầu tiên. Thông thường trẻ sẽ mọc 2 chiếc răng cửa trung tâm ở hàm dưới trước sau đó mới đến 2 răng cửa trung tâm hàm trên. Vì đây là những chiếc răng đầu tiên nên trẻ sẽ xuất hiện những biểu hiện rõ rệt như sốt nhẹ, thích cắn, chán ăn, cáu kỉnh,…
4 răng cửa sữa bên (7 – 10 tháng): Hai chiếc răng cửa bên hàm trên sẽ bắt đầu mọc khi trẻ được 7 – 10 tháng. Và những chiếc răng cửa bên hàm dưới mọc muộn hơn, thường vào lúc trẻ được 16 tháng.
4 răng hàm sữa đầu tiên: (13 – 19 tháng): Sau khi răng cửa đã phát triển hoàn chỉnh, răng hàm đầu tiên bắt đầu nhú lên. Thông thường, răng hàm đầu tiên ở dưới sẽ mọc muộn hơn so với hàm trên.
4 răng nanh sữa (16 – 19 tháng tuổi): 16 – 19 tháng tuổi là thời điểm những chiếc răng nanh sữa bắt đầu mọc lên. Chúng sẽ lấp đầy khoảng trống giữa răng của trung tâm và răng hàm đầu tiên.
4 răng hàm sữa thứ hai (25 – 33 tháng tuổi): Chiếc răng hàm sữa thứ hai ở dưới sẽ mọc sớm hơn so với hàm trên. Như vậy, hàm răng sữa của con đã hoàn chỉnh khi chạm mốc 2,5 – 3 tuổi.
Tuy nhiên, quy trình mọc răng này của trẻ chỉ ở mức tương đối. Chẳng hạn như ở nhóm răng cửa trung tâm, không phải tất cả các bé đều mọc răng cửa hàm dưới trước. Do đó, bố mẹ không cần phải lo lắng nếu quy trình mọc răng của con khác so quy trình chung này.
Lưu ý cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng
Mọc răng là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Giai đoạn này vì chưa kịp thích ứng nên trẻ hay cáu kỉnh, biếng ăn, quấy khóc,… Do đó, bố mẹ cần biết cách quan tâm, vỗ về để giúp con thoải mái, dễ chịu hơn. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà bố mẹ có thể tham khảo và học hỏi:
– Khi trẻ chảy nước dãi thường xuyên, bạn nên đeo yếm và sử dụng khăn bông lau khô để tránh tình trạng phát ban quanh miệng và cằm.
– Massage nướu thường xuyên cho con bằng gạc hoặc khăn mềm thấm nước. Việc tạo một áp lực nhỏ lên nướu sẽ giúp con giảm bớt khó chịu.
– Chuẩn bị đồ gặm nướu chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh cũng như không gây tổn thương đến nướu của con.
– Tạo hứng thú cho trẻ trong mỗi bữa ăn như thường xuyên thay đổi thực đơn, không ép trẻ ăn và chia nhỏ các bữa trong ngày.
– Khi mọc răng, con sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, lúc này bố mẹ nên giúp bé hạ nhiệt bằng cách chườm ấm, mặc đồ thoáng mát, uống nhiều nước và tăng cường bú mẹ.
– Cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng (cháo, súp, sữa,…), bổ sung hàm lượng canxi và vitamin. Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
– Nếu bé liên tục quấy khóc vì khó chịu, mẹ có thể cho con dùng gel giảm đau. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được loại gel giảm đau an toàn, không gây tác dụng phụ. Lưu ý, không nên quá lạm dụng vì sẽ khiến vùng miệng của bé bị tê và không còn cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
– Trong trường hợp bé mọc răng kèm theo biểu hiện sốt cao trên 38 độ C, không có dấu hiệu hạ nhiệt, bạn nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời.
Bé mấy tháng mọc răng còn phù thuộc vào yếu tố di truyền và dinh dưỡng. Hy vọng, những thông tin mà Soradental.com chia sẻ trên bài viết sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về thời gian, quá trình mọc răng của con, từ đó có cách xử lý phù hợp.