6 tháng tuổi là thời điểm mà trẻ bắt đầu mọc răng. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là tuyệt đối, vì có nhiều trường hợp trẻ mọc răng sớm hoặc trễ hơn thời gian này. Vậy trường hợp bé 7 tháng tuổi chưa mọc răng có sao không và bố mẹ cần làm gì?
Thời gian mọc răng sữa ở trẻ
Trên thực tế, mầm răng sữa của trẻ đã được hình thành từ rất sớm, khi vẫn còn đang trong giai đoạn bào thai. Trung bình từ tháng tuổi thứ 6, răng sữa sẽ bắt đầu nhú lên và chúng cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện.
Theo đó, trung bình từ 28 – 32 tháng tuổi, trẻ sẽ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa chia đều cho hàm trên và dưới.
Trình tự mọc răng sữa ở trẻ như sau:
– Từ 6 – 8 tháng: 4 chiếc răng cửa giữa bắt đầu nhú lên. Thông thường hai răng cửa dưới sẽ mọc sớm hơn 2 răng cửa trên.
– Từ 7 – 10 tháng: 4 răng cửa bên, tuy nhiên 2 răng cửa hàm dưới xuất hiện muộn hơn, thường bắt đầu vào tháng 16.
– Từ 12 – 14 tháng: 4 răng hàm sữa trước lần lượt nhú lên.
– Từ 16 – 18 tháng tuổi: khoảng trống giữa răng cửa và răng hàm ở mỗi phần tư cung hàm sẽ được lấp đầy bằng 4 răng nanh sữa.
– Từ 20 – 32 tháng: 4 răng hàm sữa cuối cùng mọc lên và hoàn tất quy trình mọc răng sữa ở trẻ.
Song thời gian mọc răng này chỉ ở mức tương đối, tức vẫn có những trường hợp trẻ mọc răng sớm từ 4, 5 tháng tuổi hoặc cũng có những trẻ 7 tháng tuổi, thậm chí là 12 tháng tuổi mới mọc răng. Đây vẫn nằm trong sự phát triển bình thường nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
Trong quá trình mọc răng, trẻ thường có những biểu hiện như: chảy nước dãi, quấy khóc, sốt nhẹ, hay thích cắn, bú ít, ngủ không ngon giấc,… Những triệu chứng này thường biểu hiện rõ rệt khi bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, sau đó giảm dần và hết hẳn.
Lưu ý, khi mọc răng, bố mẹ nên chú ý vệ sinh nướu và lưỡi hằng ngày cho con để tránh tình trạng nhiễm khuẩn vùng nướu. Đặc biệt, bố mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về quá trình mọc răng sữa ở con để có phương pháp xử lý kịp thời, không bị lúng túng.
Tại sao trẻ chậm mọc răng?
Như đã đề cập ngay từ ban đầu, không phải tất cả trẻ em đều bắt đầu mọc răng vào tháng thứ 6, có nhiều trẻ mọc sớm hơn và cũng có nhiều trẻ mọc trễ hơn. Với những trẻ mọc răng chậm hơn so với bình thường có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Do di truyền
Nếu gia đình có ông bà bố mẹ mọc răng chậm thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này. Theo khoa học, đây được gọi là yếu tố di truyền.
Do chế độ dinh dưỡng
Nếu trong quá trình mang thai, mẹ không cân bằng được dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu canxi, vitamin D hoặc vi khoáng thiết yếu như kẽm, crom, photpho sẽ khiến hệ xương răng của con bị ảnh hưởng, làm chậm quá trình mọc răng.
Hoặc trường hợp cho con ăn dặm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian mọc răng vì mầm răng không được kích thích.
Do trẻ mắc bệnh còi xương
Khi trẻ mắc bệnh còi xương cũng làm chậm trễ thời gian mọc răng. Các biểu hiện của bệnh còi xương có thể kể đến như: chậm phát triển về chiều cao, cân nặng, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, bẹp hộp sọ, lồng ngực lép,… Trong trường hợp này, bố mẹ cần thay đổi dinh dưỡng hằng ngày của con.
Suy giảm hoạt động của tuyến giáp
Trong trường hợp tuyến giáp hoạt động yếu kém sẽ gây tình trạng thiếu hụt hóc-môn tuyến giáp. Điều này khiến cơ thể gặp một số rắc rối như chậm biết đi, chậm nói, béo phì và cả tình trạng chậm mọc răng.
Mắc một số căn bệnh khác
Nếu trẻ mắc hội chứng Down, sinh non hoặc sự hoạt động không bình thường của tuyến yên đều làm tăng nguy cơ răng mọc chậm hơn so với bình thường. Việc xác định nguyên nhân mọc răng chậm từ những bệnh lý này cần đến khám tại các phòng khám nhi khoa.
Bố mẹ nên làm gì khi bé 7 tháng tuổi chưa mọc răng?
Trong trường hợp bé mọc răng trễ, đã 7 tháng chưa mọc răng nhưng tinh thần và thể chất vẫn ổn định và phát triển tốt thì mẹ không cần lo lắng.
Ngược lại, trường hợp trẻ 7 tháng tuổi chưa mọc răng kèm theo các biểu hiện như chậm phát triển về chiều cao, cân nặng hoặc có những biểu hiện của triệu chứng còi xương, bạn cần tăng cường bổ sung khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ theo kế hoạch:
– Trong những năm tháng đầu đời, sữa là thức ăn chính của trẻ, chúng rất giàu canxi nên có lợi cho sự phát triển của răng. Tuy nhiên, nếu trẻ bú mẹ nhưng chế độ ăn uống hằng ngày của mẹ không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa. Vì vậy mà trong giai đoạn mang thai và đang cho con bú, mẹ cần ăn uống đủ chất.
– Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:
+ Tăng cường bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,…
+ Thường xuyên cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm để tổng hợp vitamin D tự nhiên. Thời gian tắm nắng mỗi ngày khoảng 15 – 30 phút và duy trì liên tục từ lúc trẻ được 1 tháng tuổi đến khi biết đi.
+ Thực đơn ăn dặm hằng ngày cần phải đảm bảo cân bằng các yếu tố dinh dưỡng như canxi, vitamin, tinh bột, chất béo.
+ Bổ sung thêm các loại hoa quả tươi bằng cách ép lấy nước uống mỗi ngày.
+ Khuyến khích trẻ hoạt động nhiều hơn. Điều này sẽ giúp con được phát triển toàn diện .
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể tham khảo tháp dinh dưỡng hoặc xin ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để hỗ trợ xây dựng thực đơn ăn dặm hằng ngày của con được tốt nhất.
Ngoài ra, để yên tâm hơn, ba mẹ nên đưa con đến phòng khám nhi khoa để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X – Quang hoặc làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá chính xác nhất tình trạng của con, từ đó có phương pháp xử lý phù hợp.
Mặc dù 6 tháng tuổi là độ tuổi mọc răng trung bình ở trẻ thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn vào tháng thứ 5 hoặc khi 1 tuổi. Do đó, việc bé 7 tháng tuổi chưa mọc răng là điều hết sức bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là cần xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng thật cân bằng và phù hợp.